![Người dân vùng ngập lũ ở Kerala nhận lương thực cứu trợ. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/22/anh-2-1897-1534752171-8807-1534926777.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zQh-at-9y49NKfNhNZxZAQ)
Người dân vùng ngập lũ ở Kerala nhận lương thực cứu trợ. Ảnh: AP.
Cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo không ủng hộ 11 triệu USD cho quỹ hỗ trợ thảm họa lũ lụt Kerala và không có bất kỳ vết nứt nào trên con đập quan trọng của Ấn Độ. Đây chỉ là hai trong hàng loạt thông tin sai lệch được cải chính vốn do các "cỗ máy" tin giả ở Ấn Độ sản xuất ra nhằm gây thêm hoang mang và hoảng sợ, theo AFP.
Chính quyền bang Kerala và quân đội Ấn Độ đã công bố các cảnh báo hiếm thấy về những thông điệp không chính xác đang lan truyền trên mạng xã hội giữa lúc họ phải vất vả giải quyết hậu quả của trận lũ lụt lịch sử khiến 420 người thiệt mạng.
Để đối phó với những tin tức, video, tuyên bố giả mạo không ngừng xuất hiện, chính phủ Ấn Độ đã gia tăng áp lực lên Facebook, WhatsApp cùng những nền tảng mạng xã hội khác.
Một số tin, chẳng hạn như siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo ủng hộ số tiền lớn cho người dân vùng lũ, tưởng chừng như vô hại. Tuy nhiên, trang xác minh thông tin Boomlive.in lưu ý tới việc không ít người đã dùng thông tin giả mạo trên để chỉ trích cách chính quyền liên bang phản ứng trước thảm họa. Chính quyền trung ương đến nay cam kết chi 100 triệu USD nhằm xử lý thiên tai.
Hoang mang
Tỉnh trưởng Kerala Pinarayi Vijaran đã phải đích thân đăng thông tin cải chính lên mạng xã hội Twitter trước một video đang lan truyền nói rằng có vết nứt xuất hiện tại đập Mullaperiyar thuộc quận Idukki.
Trong đoạn video, một người đàn ông không rõ danh tính khẳng định bạn của ông ta thuộc văn phòng Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi đã tiết lộ rằng các khu vực xung quanh quận có thể sắp bị ngập sâu do vỡ đập.
"Tôi muốn thông báo với tất cả mọi người rằng chính quyền giờ đây sẽ có các động thái nghiêm khắc đối với những người này", ông Vijayan nhấn mạnh.
Quân đội Ấn Độ tiếp đó cho gỡ video giả mạo khác quay cảnh một người đàn ông trong quân phục nói về những chiến dịch cứu hộ, cứu nạn, đồng thời chỉ trích Tỉnh trưởng Kerala.
"Kẻ mạo danh mặc quân phục trong video đã lan truyền thông tin không chính xác về các nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn", quân đội Ấn Độ tweet đồng thời kêu gọi người dân báo cho chính quyền nếu phát hiện tin giả.
Tin giả thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở Ấn Độ. Những tin thất thiệt về việc phát hiện kẻ bắt cóc trẻ em ở ngôi làng nào đó luôn lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội như WhatsApp, vốn có tới 200 triệu người dùng tại Ấn Độ.
Sau khi đọc được tin giả, người dân thường tụ tập lại để truy lùng những kẻ lạ mặt xâm nhập. Hơn 20 người vô tội đã bị giết hại bởi những tin thất thiệt như vậy tại Ấn Độ kể từ hồi tháng 6 tới nay.
Bang Kerala ở phía nam Ấn Độ phải hứng chịu những trận mưa như trút nước từ hôm 8/8. Lũ lụt và lở đất khiến 800.000 người phải đi lánh nạn. Giới chức Ấn Độ gọi đây là trận lụt tồi tệ nhất ở Kerala trong một thế kỷ qua với thiệt hại ban đầu ước tính gần ba tỷ USD.