Dạy con nói được tiếng Việt là nỗi trăn trở của những người làm cha mẹ xa xứ. Với những trẻ có cha hoặc mẹ không phải người Việt, việc này có lẽ còn trắc trở hơn nhiều bởi bản thân phụ huynh có khi tiếng Việt cũng không còn được gọt dũa như khi còn sống ở nhà. Nếu cha mẹ không bắt đầu nói tiếng Việt với con từ khi sinh ra, đương nhiên tiếng sở tại được người trông trẻ và cô giáo nói hàng ngày sẽ trở thành tiếng mẹ đẻ. Khi ấy trẻ sẽ lười nói tiếng Việt mặc dù có thể nghe hiểu rất tốt.
Ba đứa con của nhà tôi khi người ta hỏi “where are you from?’ đều trả lời “Im from Australia and Vietnam” bởi tôi luôn dạy các cháu "các con không bao giờ quên có 50% dòng máu Việt trong tim mình đấy nhé". Anh cả năm nay tròn 12 tuổi, toàn bị tôi trêu là quả chuối vì trông thì giống người Việt, da vàng mũi hơi tẹt nhưng cách nghĩ và tính cách giống hệt kiểu Tây. Cậu thứ 2 năm nay 5 tuổi, giống cha nhưng lại tình cảm và rất hay để ý. Cô bé út mới 4 tuổi da trắng tóc vàng nhưng sắc sảo và khéo léo.
Từ khi còn mang thai, cho con bú và đến giờ, tôi giao tiếp với các cháu đa số bằng tiếng Việt. Trừ khi vội và “lên lớp” thì bằng tiếng Anh, kẻo đang mắng lại bị hỏi “hậu đậu là gì hả mẹ?” thì cũng hơi cụt hứng. Vì vậy, mặc dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sống và học tập ở các nền văn hoá khác nhau, nhưng khi về Hà Nội, các cháu có thể độc lập giao tiếp với bên ngoại bằng tiếng Việt. Một vài ngày đầu các cháu gặp chút ngỡ ngàng vì mọi người nói nhanh và có nhiều từ mẹ không sử dụng, nhưng đa số là cả 3 cô cậu đều nghe hiểu tốt. Cả gia đình tôi đều biết dùng đũa, thích ăn bún chả, phở và cá kho, thịt kho. Gia đình tôi sống rất Việt Nam.
Bạn bè ở Hà Nội khen tôi và kể ở Hà Nội có nhiều nhà cho con đi học trường quốc tế và chúng không rành tiếng Việt. Tôi chỉ cười. Đấy là sự lựa chọn của họ, chứ trẻ con rất thông minh, 2-3 ngoại ngữ đối với trẻ có thể nói tốt như nhau. Ví dụ chúng tôi đang sống ở Macau, các cháu đi học trường quốc tế, tất cả được dạy bằng tiếng Anh và phải học tiếng Hoa như ngoại ngữ bắt buộc. Về nhà chủ yếu nói tiếng Việt, trừ khi giao tiếp với bố và cô giúp việc người Philippines. Chồng tôi vốn tiếng Việt cũng khá, từ hàng chục năm về trước đã từng biết dịch giúp cho cô Tây ba lô ở ngõ Tô Tịch về việc sao cốc sữa chua dầm của cô ấy đắt hơn anh bạn 2.000 đồng. Hoá ra cốc có dâu tây và không dâu tây. Vì tôi có anh ủng hộ, nên việc dạy tiếng Việt cho con được dễ dàng hơn.
Tôi bảo các con ở trường nói tiếng Anh cả ngày, về nhà nói tiếng Việt cho đỡ chán. Sau này giỏi tiếng Việt và nếu có thích về Việt Nam làm việc các con sẽ có nhiều cơ hội hơn là chỉ biết nói tiếng Anh. Chúng hào hứng lắm.
Có lẽ với các con cách xưng hô trong tiếng Việt là phức tạp nhất. Chúng luôn thắc mắc sao nói với người này thì mình là cháu, với người kia mình lại là anh, là cậu... Thế mới có chuyện anh cả bảo “Bà ngoại ơi cho anh ăn xôi nào”. Bà mắng yêu "anh anh cái thằng cha mày" và nó cũng chả hiểu "thằng cha mày" là ai.
Nhiều khi chúng suy nghĩ bằng tiếng Anh rồi dịch ra tiếng Việt, cho nên mới có kiểu "Mẹ rửa tóc cho con" (mẹ gội đầu cho con), "Con thích cái đỏ váy" (con thích cái váy đỏ).
Cha tôi là nhà văn, nhà báo nên ông như cuốn từ điển sống. Hôm rồi ông sang ở chơi 2 tuần, nên cả 2 bố con đi chơi và nói chuyện nhiều lắm. Đôi khi tôi dùng từ sai, ông cười và sửa. Khi đó, tôi mới thấy, đúng là cái gì không dùng rồi cũng cùn gỉ. Quả thật nói chuyện với cha bằng tiếng Việt, tôi thấy khó hơn nói bằng tiếng Anh với bạn bè.
Các con tôi muốn ông ngoại ở lại Macau. Tôi ra câu đố chúng phải nói với ông bằng tiếng Việt câu này: “Please stay here with us, don’t go to Hanoi so soon”. Anh cả mở hàng: “Ông ngoại, ông đừng đi Hà Nội, ông ở đây với mình”. Mẹ hỏi sao lại là mình, anh ấy lý giải “us, không phải con thì là mình chứ?”.
Anh thứ 2 nghĩ lâu lắm, rồi nói “Ông ngoại về Hà Nội là ốm đấy, ông ở đây với con”. Tôi hỏi mẹ có nói gì đến chuyện ông ốm hay khoẻ đâu, nó bảo "Con nói thế để ông không đi Hà Nội". Chút mắm muối này là tình cảm tự con thêm vào, con thật sự muốn ông ở lại Macau.
Cô út nói ngắn gọn “Ông ngoại ở nhà với con”.
Nhìn đôi mắt cha ngấn lệ, tôi hiểu bản thân mình đã dạy con không đến nỗi tệ. Cha hạnh phúc vì các cháu tuy không gần ông nhiều, nhưng biết yêu thương và trân trọng tình cảm máu mủ ruột rà. Chúng cũng biết tiếng Việt đủ để truyền tải được tình cảm đó.
Và tôi thật sự rất vui!
Trần Ngọc Trang
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com