Theo Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, đây là mức kế hoạch duy nhất tại thời điểm này mà toàn ngành phải phấn đấu để đạt với mức cao nhất. Việc ưu tiên cho các đối tượng nói trên cũng chỉ là giải pháp tình thế song có tính nước rút để giải quyết khó khăn về xuất khẩu hiện nay.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chính là sự biến động mạnh trong cơ cấu thị trường. Trong khi kim ngạch tại Mỹ, Nhật Bản, EU tăng so với cùng kỳ năm 2002 thì mức này lại giảm tại Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong (3 thị trường này giảm 157,7 triệu USD so với cùng kỳ). "Việc đa dạng hoá thị trường đang tiến triển tốt, hàng thuỷ sản Việt Nam đã xuất khẩu vào 75 nước và vùng lãnh thổ nhưng giá trị kim ngạch tại các thị trường mới không bù đắp được phần bị giảm trên các thị trường đã có", ông Ngọc nói.
Xét về cơ cấu mặt hàng, tôm sú vẫn giữ vị trí độc tôn (chiếm gần 50%) song lại đang phải đối mặt với nguy co bị kiện phá giá tại Mỹ. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu cá tra, basa giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp vẫn rất lớn, song lại thiếu những nguyên liệu thuỷ sản có khả năng đưa vào chế biến để xuất khẩu theo đơn hàng ngay trong các tháng cuối năm.
Trước tình hình đó, Bộ Thủy sản yêu cầu các đơn vị thành viên nắm kỹ diễn biến, cập nhật thông tin xuất khẩu thường xuyên để Bộ kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp, linh hoạt trong quản lý điều hành xuất khẩu thuỷ sản. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp tranh thủ thuận lợi ở một số thị trường, tìm cách giải phóng khối lượng hàng đang có để đẩy mạnh tiêu thụ vào đây. "Bộ sẽ có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhanh nhạy, chủ động đi đầu trong việc này", ông Ngọc khẳng định.
Dự kiến, trong năm 2004, ngành thuỷ sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,6 tỷ USD.
Song Linh