Tập đoàn Alibaba Group Holding và PDD, hai trong số những công ty thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc tích cực mở rộng chỗ đứng tại Hàn khi đưa ra mức giá khoảng 1 USD cho một số thiết bị nhỏ trên nền tảng mua sắm ở nước ngoài của họ là AliExpress và Temu.
Ra mắt tại Hàn Quốc vào năm 2018, AliExpress chứng kiến lượng người dùng hoạt động hàng tháng vượt 7 triệu tính đến tháng 11/2023. Temu, bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc vào tháng 7/2023, có trung bình 3,5 triệu người dùng mỗi tháng.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng ở Hàn Quốc vẫn thận trọng trong việc mua sắm tại các nền tảng này thay cho những trang bán lẻ trực tuyến địa phương, như Coupang và Gmarket. Họ lo ngại các vấn đề về chuỗi cung ứng của nền tảng Trung Quốc bao gồm thời gian giao hàng dài và chất lượng sản phẩm không ổn định.
![Ứng dụng AliExpres của Trung Quốc phát triển mạnh tại Hàn Quốc năm 2023. Ảnh: Dao Insight](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2024/01/12/cardmapr-nl-SGj4fw55Y7w-unspla-4893-9951-1705050756.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bINdHSFyehby1x1wAVKtQQ)
Ứng dụng AliExpres của Trung Quốc phát triển mạnh tại Hàn Quốc năm 2023. Ảnh: Dao Insight
Lawrence Woo, một nhân viên văn phòng 38 tuổi ở Seoul, bắt đầu sử dụng AliExpress cách đây một năm sau khi anh bị thu hút bởi mức giá thấp của sản phẩm. Woo tìm thấy một giá đỡ máy tính xách tay trên AliExpress có giá 30.000 won (23 USD) và được giao hàng miễn phí, rẻ hơn khoảng 50% so với giá do các trang bán lẻ địa phương cung cấp. Tuy nhiên, anh vẫn bối rối về thời gian giao hàng. Vì anh từng mất hai tháng mới được giao tấm phim bảo vệ cho máy ảnh,.
"Thời gian giao hàng quá lâu. Tôi đã cố gắng hủy đơn hàng đó nhưng dịch vụ không hoạt động", Woo nói.
Theo trang web của ứng dụng mua sắm giá rẻ Trung Quốc, trên Temu, thời gian vận chuyển sản phẩm sẽ dao động từ 6 đến 20 ngày.
Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang có khả năng rút ngắn thời gian giao hàng xuống còn trong vòng một ngày thông qua dịch vụ Rocket Delivery đặc trưng.
Cả AliExpress và Temu đều hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần như CJ Logistics Corp, công ty chuyển phát bưu kiện lâu đời nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc.
Zhuang Shuai, chuyên gia tại Công ty tư vấn thị trường Bailian cho biết, vấn đề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của các công ty này. Ví dụ, liệu người bán là thương nhân địa phương hay thương nhân Trung Quốc và nền tảng có kho riêng hay không.
Theo ông, các nền tảng mua sắm của Trung Quốc phải đối mặt với cả rào cản chính sách và văn hóa khi mở rộng ra nước ngoài. "Giống như cách Amazon không thành công ở Trung Quốc, các công ty Trung Quốc cũng không dễ dàng hoạt động ở nước ngoài", vị này chia sẻ.
Bất chấp những thách thức đó, cả AliExpress và Temu đều thúc đẩy các sáng kiến nhằm cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng ở Hàn Quốc.
Tháng 3/2023, Alibaba đã ra mắt một dịch vụ mới có tên AliExpress Choice nhằm cung cấp cho người tiêu dùng Hàn Quốc thời gian giao hàng và giá cả phải chăng hơn với thời hạn giao hàng trong ba ngày. Đơn vị này cũng mở rộng công suất kho hàng của mình tại Uy Hải và Yên Đài, hai thành phố ở phía đông tỉnh Sơn Đông, gần bán đảo Triều Tiên.
Lee Ye-seul, 35 tuổi ở Seoul, cho biết tốc độ giao hàng của AliExxpress đã được cải thiện. Một số sản phẩm mà cô đặt hàng gần đây đã đến nơi trong vòng 4 ngày kể từ khi đặt hàng. Tuy nhiên, cô lại gặp vấn đề khác về chất lượng sản phẩm khi không thể phân biệt được sản phẩm mình mua là đạo nhái hay thiết kế nguyên bản.
Đồng quan điểm, Woo cho biết, rất khó để xác định tính xác thực của các sản phẩm trên các nền tảng mua sắm của Trung Quốc. Anh mong muốn các các nền tảng này thiết lập một hệ thống kiểm tra.
Theo báo cáo từ cơ sở dữ liệu trực tuyến ECDB, Hàn Quốc được xếp hạng là thị trường thương mại điện tử lớn thứ tư thế giới với doanh thu dự kiến 139,8 tỷ USD vào năm 2023. Đây cũng là một trong những thị trường lớn của Alibaba và PDD tại nước ngoài.
Tuệ Anh (theo SCMP)