Gọi điện đến địa chỉ đặt mua thuốc, cô gái chỉ được nhân viên tư vấn nói rằng thời gian đầu, thuốc có tác dụng đẩy mụn lên, sau đó sẽ dần dần hết nên phải kiên trì. Tuy nhiên, một tháng sau, tình trạng mụn không thuyên giảm mà còn kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, nhiều mụn mưng mủ, My đành đến bệnh viện Da liễu khám.
Các bác sĩ cho biết, da mặt bệnh nhân gặp biến chứng do kem bôi không rõ nguồn gốc nên bị nhiễm khuẩn. Cô gái chia sẻ: "Mình nghĩ có bệnh phải vái tứ phương nên cũng liều mua thuốc trên mạng, bởi chữa mụn nhiều nơi mãi mà không khỏi nên sốt ruột lắm". My được chỉ định điều trị theo phác đồ và kèm những hướng dẫn sinh hoạt nghiêm ngặt.
Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc và theo quy định của pháp luật, khi nhà thuốc mở cửa thì dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn. Chưa có văn bản quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.
Ngoài ra, các thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc.
Thế nhưng, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc qua mạng không giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn nghiễm nhiên hoạt động hàng ngày.
![Khuôn mặt một bệnh nhân nổi mụn chi chít do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/01/14/1-1572844403-1867-1572844503-1-9017-5323-1578989416.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c6dkjpjxl9C_8dLwY_tKgQ)
Khuôn mặt một bệnh nhân nổi mụn chi chít do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương
Khi vào google tìm kiếm từ khóa: "Mua thuốc chữa ung thư", có đến 33.600.000 kết quả hiển thị, trong đó nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Những loại thuốc này có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc điều trị ung thư giai đoạn cuối... kèm với ảnh.
Một loại thuốc được ghi bên ngoài là hàng nội địa Nhật Bản, giá hơn 5 triệu đồng một hộp, ghi chữ giảm giá bên cạnh, người mua được cung cấp thông tin gồm: khối lượng một lọ, hàm lượng mỗi viên, thành phần. Bên dưới là mô tả chi tiết sản phẩm, công dụng, hướng dẫn sử dụng, một vài kiến thức về ung thư cùng số điện thoại liên hệ. Khách hàng chỉ cần chọn số lượng, sau đó bằng một thao tác nhanh gọn là ấn chuột vào chữ "mua hàng" màu đỏ, điền đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại, phương thức thanh toán bên dưới, sẽ có ngay thuốc trị ung thư trong vòng vài ngày.
Không riêng thuốc ung thư, các loại thuốc, thực phẩm chức năng khác cũng được rao bán tràn lan. Nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng bày bán với đủ mọi công dụng như: tăng cân, giảm cân, đẹp da, giảm đau xương khớp, chữa yếu sinh lý, các bệnh gan thận...
PGS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, nhấn mạnh: "Dùng thuốc không rõ nguồn gốc có ngày mất mạng".
Mua hàng qua mạng không thể biết được nguồn gốc mặt hàng, không biết người bán, không được nhìn tận mắt, sờ tận tay nên nguy cơ rủi ro cao. Nhiều thứ thuốc hay thực phẩm chức năng dùng thời gian ngắn không có biểu hiện gì. Song, các chất độc hại lâu dần ngấm vào cơ thể, ảnh hưởng về lâu dài, gây bệnh tật. Những tác hại như mặt nhiễm khuẩn, ngộ độc do biến chứng... của thuốc trị mụn là còn nhẹ.
Đặc biệt thuốc đông y lành tính nhưng nếu tự ý điều trị, dùng không rõ liều lượng, không rõ nguồn gốc, người bệnh sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng trong điều trị, gây nguy hiểm.
![Mua thuốc qua mạng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hiểm. Ảnh: Life Style](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/01/14/pharmacien-1578989312-7972-1578989416.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XCn7OBwUIVJX-4uWhSCK7w)
Mua thuốc qua mạng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hiểm. Ảnh: Life Style
PGS Luật giải thích, tâm lý muốn mua hàng nhanh gọn nên nhiều người tìm đến mua hàng online. Một số người quan niệm "có bệnh phải vái tứ phương", một số người khác được người thân giới thiệu, thấy nhiều người chữa khỏi nên nghe theo. Họ không biết rằng chữa bệnh theo "bác sĩ online" là điều cực kỳ nguy hiểm.
Mới đây Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không mua các thuốc điều trị ung thư được chào bán và quảng cáo qua mạng để điều trị, sau sự việc phát hiện 3 loại thuốc ung thư chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, chưa được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc, song vẫn được "nhà thuốc Võ Lan Phương" bán trên web.
Cục Quản lý Dược khuyên, khi có bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị theo đúng phác đồ từ bác sĩ chuyên môn.
Sau khi chữa khỏi mụn trên mặt, ngỡ tưởng My sẽ không bao giờ mua hàng trên mạng nữa, nhưng không. Nghe được lời giới thiệu về một loại trà giảm cân trên mạng, My quyết định đặt mua về dùng thử.
"Thực phẩm chức năng về giảm cân nhiều vô kể, không phân biệt được. Đây là chỗ quen biết nên mình khá yên tâm, giá cả lại phải chăng", cô nói.
Thúy Quỳnh