Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, 68 tuổi, hôm 9/1 thông báo trở thành thành viên đảng Ruamthai Sarngchart (Quốc gia Thái Lan Thống nhất). Đảng này mới được thành lập và đã cam kết đề cử ông Prayuth làm ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Động thái này hoàn tất sự chia tách của ông Prayuth với đảng Palang Pracharath do quân đội hậu thuẫn, bên đã ủng hộ ông trở thành thủ tướng cách đây 4 năm.
"Còn nhiều việc phải hoàn thành và đó là lý do tôi phải đẩy mạnh thực hiện điều này", ông Prayuth nói sau khi đăng ký trở thành thành viên Ruamthai. "Tôi ở đây không phải vì tôi muốn ở lại mà vì Thái Lan phải tiến lên".
![Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại lễ công bố gia nhập đảng mới ngày 9/1. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/10/5e1fd376-a116-465e-aa22-a18e71-9022-4527-1673337750.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qetjLyyxrfrhF9Taw0PHeQ)
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại lễ công bố gia nhập đảng mới ngày 9/1. Ảnh: AP.
Thủ tướng Thái Lan gia nhập đảng mới trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò gần đây giảm dần.
Ông Prayuth lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, nhưng Tòa án Hiến pháp Thái Lan phán quyết rằng nhiệm kỳ của ông được tính từ ngày 6/4/2017. Do vậy, nếu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, ông có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2025, theo giới hạn 8 năm được quy định trong hiến pháp.
Ông Prayuth đang trông cậy vào sự ủng hộ của Thượng viện gồm 250 thành viên, bao gồm nhiều đồng minh từ quân đội, những người có quyền bỏ phiếu cùng Hạ viện để chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu cử năm 2019, Thượng viện đã ngăn đảng đối lập Pheu Thai có liên hệ với anh em cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra giành chiến thắng.
"Việc thay đổi liên minh là điều bình thường trong chính trị Thái Lan, nhưng lần này căng thẳng hơn, vì các quy tắc bầu cử đã thay đổi đáng kể và cuộc cạnh tranh tập trung vào việc có nên để ông Prayuth tiếp tục nắm quyền hay không", Yuttaporn Issarachai, nhà khoa học chính trị tại Đại học Mở Sukhothai Thammathirat, Thái Lan, nhận định.
Thái Lan dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5, khi 500 thành viên Hạ viện kết thúc nhiệm kỳ vào 23/3. Ông Prayuth tìm kiếm đảng chính trị mới sau khi Palang Pracharath báo hiệu sẽ ủng hộ lãnh đạo đảng kiêm Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon trong cuộc bầu cử thủ tướng sắp tới.
Đã có sự bất bình trong nội bộ Palang Pracharath và liên minh 16 đảng mà đảng này lãnh đạo, chủ yếu liên quan việc ông Prayuth bị giảm tỷ lệ ủng hộ và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Pheu Thai sẽ giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, đảng cầm quyền có thể phải phụ thuộc vào ông Prayuth và đảng mới của ông để thành lập liên minh nhằm ngăn cản Pheu Thai giành chiến thắng lớn, lặp lại kịch bản cuộc bầu cử năm 2019 khi Pheu Thai giành được nhiều ghế nhất nhưng bị Palang Pracharath cản trở bằng cách nhanh chóng tập hợp liên minh có đảng Bhumjaithai của Phó thủ tướng Anutin Charnvirakul và đảng Dân chủ.
Pheu Thai, đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát bầu cử, đã loại trừ khả năng thành lập liên minh vì muốn bác bỏ những đồn đoán rằng có thể bắt tay với Palang Pracharath và Bhumjaithai. Pheu Thai muốn tập trung đảm bảo một mình đảng có khả năng chiếm thế đa số. Đây là kịch bản khả thi vì Pheu Thai giành được nhiều ủng hộ từ vùng nông thôn vùng đông bắc, đã cho phép đảng này và các đảng khác liên kết với gia tộc Shinawatra giành được nhiều ghế nhất trong các cuộc bầu cử ở Thái Lan hơn hai thập kỷ qua.
Gương mặt nổi bật nhất của Pheu Thai là Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin, người dẫn đầu các cuộc khảo sát bầu cử với tư cách ứng viên được ưa thích nhất, dù đảng này chưa chính thức đề cử bà làm ứng viên.
Ông Prayuth vẫn được ủng hộ ở các tỉnh miền nam và vẫn có thể được cử tri theo chủ nghĩa bảo hoàng ủng hộ. Ông đã tăng cường tương tác với công chúng, mặc trang phục truyền thống Thái Lan, trồng lúa và ký tặng người ủng hộ.
"Có thể dự đoán được rằng quân đội sẽ duy trì quyền lực, thông qua ông Prayuth hoặc ông Prawit, bởi họ có Thượng viện ủng hộ, đó là yếu tố quan trọng nhất", Titipol Phakdeewanich, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, cho hay.
Huyền Lê (Theo Bloomberg)