Trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Nam ngày 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả tỉnh đạt được trong năm 2024, đặc biệt là nỗ lực trong tăng trưởng, an sinh xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tổ chức cho nhân dân an vui, nhà nhà có Tết.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2024 của tỉnh Quảng Nam ước đạt 7,1%, quy mô nền kinh tế gần 129.000 tỷ đồng. "Thành tích trong 2024 và đầu 2025 của Quảng Nam đóng góp quan trọng cho kết quả chung cả nước. Quảng Nam là vùng đất anh hùng, cách mạng, truyền thống đi đầu trong đánh Mỹ, cần được phát huy", Thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm nay ít nhất 10% (mục tiêu GDP cả nước ít nhất 8%).
![Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Quảng Nam chiều 8/2. Ảnh: Đắc Thành](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/09/img-6101-1739071195-3811-17390-3293-3559-1739093468.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t7Ify4pYb7T2B0dcRC3Lcw)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Quảng Nam chiều 8/2. Ảnh: Đắc Thành
Thủ tướng chia sẻ từ nhỏ đã nhớ câu "Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ", trong chiến tranh khó khăn nhưng chính quyền và người dân vẫn đi đầu, nhưng tại sao thời bình không đi đầu phát triển kinh tế. "Cha ông ta có câu Con hơn cha là nhà có phúc, chúng ta là thế hệ con cháu, phải phát huy cao độ hơn nữa. Quảng Nam đã và đang phát huy rồi, nhưng chưa tới", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh của Quảng Nam thứ hạng không cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm ngoái Quảng Nam nằm ngoài top 30 tỉnh, thành phố tốt nhất Việt Nam. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp 56/63. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 48/63.
Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế tỉnh chưa phát triển xứng tầm, theo Thủ tướng là cán bộ chưa "gắn bó sống chết với Quảng Nam". Ông giải thích trước 1996 khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách, chiều thứ bảy xe đón cán bộ Quảng Nam về Đà Nẵng, sáng thứ hai đưa cán bộ từ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Nhưng hiện nay vẫn vậy, vì cán bộ Đà Nẵng chủ yếu là người Quảng Nam, cán bộ Quảng Nam chủ yếu sinh sống ở Đà Nẵng.
Quảng Nam có 1,5 triệu dân, nhưng cuối tuần lại hụt đi vì cán bộ về Đà Nẵng và tiêu dùng cho thành phố này, như vậy Quảng Nam "làm sao phát triển tiêu dùng, dịch vụ, ai xây dựng Quảng Nam". Cán bộ phải trụ lại, bám đất, bám người để lãnh đạo, chỉ đạo, cống hiến làm việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. "Chiều thứ sáu về, sáng thứ hai đến thì không phát triển được, hoặc phát triển nhưng lãng nhãng, vì có nhiều người tâm huyết đâu", ông nhắc lại và dẫn chứng Đà Nẵng phát triển được là có nhiều người tâm huyết.
"Cái này cần được giải quyết, làm sao cán bộ Quảng Nam đừng về Đà Nẵng nữa, ở lại đây chung sức đồng lòng xây dựng tỉnh", ông nói và đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết (nhà ở TP Đà Nẵng) gương mẫu, đưa vợ con vào Quảng Nam. Cán bộ Quảng Nam cần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng quê hương thực sự của mình, chứ không phải là nơi mình đến làm việc rồi đi.
![Thành phố Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam thưa thớt người ngày cuối tuần. Ảnh: Đắc Thành](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/09/DJI-0666-1739071422-3058-1739072840.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FwnIVN_48UCDlfBvih5dJA)
Đường phố TP Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam thưa thớt người ngày cuối tuần. Ảnh: Đắc Thành
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những nguyên nhân khác khiến Quảng Nam chưa phát triển xứng tầm là nguồn nhân lực cao còn thiếu. "Phải chăng ai học giỏi, chất lượng cao đi ra Đà Nẵng, TP HCM làm việc, còn Quảng Nam vẫn là Quảng Nam?", ông đặt câu hỏi. Ngoài ra, hạ tầng của tỉnh đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện. Sân bay, bến cảng, cao tốc đều có, nhưng chưa khai thác tối ưu.
Về giải pháp, Thủ tướng nói thời gian tới Quảng Nam cần phân cấp phân quyền triệt để, nâng cao năng lực thực thi đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, nên nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn. Tỉnh cần lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong phục vụ, đổi mới sáng tạo, hành chính công, giảm nghèo, an sinh xã hội và huy động nguồn lực, bám sát các chỉ tiêu.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang; bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn; phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ ôtô và cơ khí đa dụng quốc gia; đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai; đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D, 14B; điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đại học Đà Nẵng...
Thủ tướng nêu rõ sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Các cơ quan phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị, hệ sinh thái sân bay. Quảng Nam cần kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay để khai thác lưỡng dụng trong hai năm tới.
Nêu rõ trong tương lai, tỉnh phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào. Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai, yêu cầu tỉnh hoàn thành các thủ tục để đến tháng 6/2027 hoàn thành trung tâm này.