Vợ chồng tôi kết hôn năm 2011 và đăng ký hộ khẩu tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Chúng tôi có một cháu trai đầu lòng được hơn 1 tuổi. Vợ tôi đã bỏ nhà đi cùng con, để sinh sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ được hơn 1 năm. Kể từ đó vợ chồng tôi cũng ly thân.
Trong khoảng thời gian đó, tôi biết chỗ vợ và con ở nên đến thăm hàng tuần và cấp dưỡng cũng như thu xếp việc vợ chồng. Khi con tôi chưa đầy tuổi, vợ tôi đã đưa con về quê ngoại để cai sữa cho cháu và giao cho ông bà ngoại nuôi dưỡng bất chấp sự phản đối của tôi. Từ đó nến nay đã được hơn 3 tháng. Nhà ông bà ngoại cách nơi tôi và vợ tôi sinh sống và làm việc 90 cây số. Từ đó, một tuần có khi vợ tôi chỉ về với con được một lần hoặc không về. Tôi vì có nhiều mâu thuẫn với vợ và gia đình vợ nên từ khi con ở với ông bà ngoại, tôi rất khó đến thăm con.
Do mâu thẫu ngày càng nghiêm trọng và cần phải chấm dứt hôn nhân nên tôi đã làm đơn ly hôn đơn phương và nộp lên tòa án nơi tôi và vợ tôi có hộ khẩu - tức tòa án của huyện Đơn Dương.
Tôi đã tiến hành xác minh địa chỉ cư trú của vợ với cơ quan công an nơi vợ sống và làm việc nhưng vì vợ không đăng ký tạm trú nên tôi không có văn bản gì để xác minh với tòa án huyện Đơn Dương. Chủ nhà nơi vợ tôi ở thuê cũng như vợ tôi không cấp cho tôi giấy tờ gì để tôi xác minh với tòa án của huyện Đơn Dương để tòa án chuyển hồ sơ đến nơi bị đơn cư trú tại thành phố Cần Thơ.
Xin hỏi việc ly hôn của tôi phải giải quyết như thế nào? Và do tòa án nào giải quyết? (Văn)
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án được xác định như sau:
“10. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 35. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Đồng thời, theo quy định của Điều 52 Bộ luật dân sự 2005, thì “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 52 BLDS) thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
Do đó, trong trường hợp anh dự định ly hôn đơn phương, do anh có thể xác định nơi vợ anh đang sinh sống, nên việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nơi vợ anh đang sinh sống (tại Cần Thơ).
- Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58, điểm a, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, anh có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó anh cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc vợ anh đang sinh sống tại Cần Thơ cho Tòa án.
Về thủ tục hồ sơ xin đơn phương ly hôn thì gồm có:
1. Đơn xin ly hôn, có xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn về hộ khẩu và chữ ký của anh. Trong đơn anh cần trình bày các vấn đề sau:
- Về kết hôn: Ở đâu? Thời gian? Kết hôn có hợp pháp không? Mâu thuẫn xảy ra khi nào? Mâu thuẫn chính là gì? Vợ chồng có sống ly thân không? Nếu có thì sống ly thân từ thời gian nào tới thời gian nào?
- Về con chung: Cháu tên gì? Sinh ngày tháng năm nào? Nay xin ly hôn anh có yêu cầu gì về giải quyết con chung (có xin được nuôi cháu không, Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha cháu như thế nào)?
- Về tài sản chung: Có những tài sản gì chung? (giấy tờ kèm theo - nếu có). Nếu ly hôn anh muốn giải quyết tài sản chung như thế nào?
- Về nợ chung: Có nợ ai không? Có ai nợ vợ chồng không? Tên, địa chỉ và số nợ của từng người? Anh muốn giải quyết như thế nào?
2. Bản sao Giấy khai sinh của cháu bé;
3. Bản sao Giấy CMND, sổ hộ khẩu của anh và của vợ anh (nếu có);
4. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì anh phải xin xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký kết hôn.
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Việt Phương
Bộ Tư pháp