Tôi là một thanh niên 30 tuổi, cũng có uống bia, uống rượu, nhưng không phải là một “bợm nhậu”. Tôi xin góp vài ý kiến nhỏ của mình về quan điểm uống bia rượu trong xã hội ta.
Có lần, sau khi tàn một cuộc nhậu với đồng nghiệp, tôi có hỏi một anh bạn: “Em hỏi thật anh nhé, anh có thấy rượu ngon không?”. Anh trả lời tôi rằng: “Ngon gì mà ngon, toàn cay và đắng (nghĩa đen). Nếu là tự nhiên thì chẳng ai muốn uống làm gì”.
Tôi lại hỏi: “Thế sao mọi người cứ uống lấy được thế nhỉ?”. Anh trả lời: “Xã hội nó thế, để thể hiện chút đàn ông, muốn được đánh giá là thế nọ thế kia, là biết quan hệ thì phải thế…” .
Bất cứ chuyện gì cũng có thể là lý do để bắt đầu một cuộc nhậu. Ảnh minh họa: Khắc Triệu
Tôi cười tán thành bởi quả đúng như vậy. Trong xã hội hiện nay, quan niệm đó là hiện thực và đang phổ biến, đặc biệt là đối với thanh niên.
Tôi nghĩ một khi thành thực với chính bản thân mình, rất nhiều người trong chúng ta đều sẽ nghĩ như anh bạn tôi. Biết uống bia rượu mới là nhiệt tình, chịu chơi và biết quan hệ…
Nhưng quý vị (người uống bia rượu nhiều và cảm thấy mình có quan hệ rộng) có nhận thấy rằng suy nghĩ như vậy chỉ là những suy nghĩ ảo không?
Nhưng tại sao chúng ta cứ phải gán cái ý nghĩa "ảo" đó cho việc uống bia uống rượu? Bởi thực chất, bia rượu và hệ quả của nó đâu có tốt đẹp hay ho gì đâu, chỉ làm cho chúng ta tệ hại hơn mà thôi. Tệ hại cho cá nhân, cho gia đình, vợ con, cho đất nước (vì sao thì quý vị thừa biết rồi).
Thế giới tự thân nó là không có đúng, không có sai, không phải không trái, tất cả đúng sai, trái phải đều do con người (trong một xã hội cụ thể, cộng đồng cụ thể) đặt ra và gán cho nó một ý nghĩa. Xã hội (số đông) đều cho là như vậy, thì cá nhân sống trong xã hội đó phải cố gắng làm những gì phù hợp để được xã hội chấp nhận, được đánh giá cao.
Nếu chúng ta gán cho việc uống bia rượu một ý nghĩa khác đi thì tôi cho rằng mọi chuyện sẽ thay đổi.
Xin kể câu chuyện của bố tôi: Bố tôi có ý cảm ơn một người làm ăn đã hợp tác giúp đỡ nhiệt tình.
Bố tôi là người không thích bia rượu, ông luôn khuyên con cái tránh xa nếu có thể. Ông nói “Tôi định mời mấy anh em chiều nay làm vài vại bia để cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ của các anh, nhưng tôi có chút việc phải đi gấp quá, và tôi đoán anh cũng bận nhiều việc khác phải làm nên thôi. Nên tôi gửi chút quà cho anh và các cháu ở nhà để cảm ơn anh, và cho tụi nhỏ vui”.
Bố tôi thay vì mời uống bia thì tặng quà cho đối tác. Giá trị món quà kém giá của một bữa nhậu, nhưng nó thật ý nghĩa. Ông đối tác kia cũng mừng ra mặt vì không phải ngồi lai rai, làm cho yếu người, mà lại được quà mang về nhà cho vợ, cho con cùng vui. Thế là cả hai cùng vui vẻ và cảm ơn nhau.
Vậy đấy, tôi nghĩ chúng ta có nhiều cách “quan hệ” tích cực hơn nhiều, mang tính xây dựng và hợp tác hơn nhiều, làm cho mối quan hệ giữa chúng ta ngày càng tốt đẹp và thực chất hơn.
Để thay đổi quan niệm của cả một cộng đồng, một xã hội thì không thể một sớm một chiều. Cần phải có một chiến lược dài hạn, một chương trình tuyên truyền nghiêm túc và thực hiện nó với một quyết tâm cao thường trực.
Đây là việc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tuyên truyền, và quan trọng là bản thân mỗi chúng ta phải thay đổi quan điểm về bia rượu. Hãy tạo cho mình một sự bận rộn vừa đủ để đừng có đưa tâm trí mình sa vào tiêu cực, giống như kiểu “nhàn cư vi bất thiện”.
Tất cả chúng ta hãy bỏ suy nghĩ uống bia rượu vì mục đích "quan hệ". Tôi nghĩ nếu thực hiện được điều này thì quan niệm của chúng ta sẽ sớm được thay đổi và xã hội sẽ không còn phải gánh chịu hệ lụy do việc uống bia uống rượu gây ra nữa.
Vũ Đình Khoa
Chia sẻ suy nghĩ của bạn về chuyện nhậu nhẹt tại đây.