Enshi, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nằm ở độ cao trung bình 1.200 m so với mực nước biển, thường bị cô lập do kết nối giao thông kém. Người dân sống chủ yếu dựa vào việc trồng ngô và khoai tây, nhưng năng suất thấp, buộc phần lớn thanh niên phải rời nhà tìm việc ở xa.
Nhưng với sự xuất hiện của các "Via Ferrata", cuộc sống nơi này đã hoàn toàn đổi khác. "Via Ferrata" trong tiếng Italy có nghĩa là "Con đường sắt", là tuyến đường leo núi có bảo vệ, người chơi sẽ bước trên những bậc thang tạo thành từ các thanh sắt gắn vào vách đá. Hình thức mạo hiểm này ra đời đầu tiên tại dãy Alps ở châu Âu hơn một thế kỷ trước và hiện phổ biến ở Trung Quốc, ngày càng thu hút nhiều người đam mê.

Các trải nghiệm mạo hiểm ngày càng hút giới trẻ, tháng 7/2025. Ảnh: Xinhua
Năm 2017, một Via Ferrata uốn lượn dọc theo những vách đá gần như thẳng đứng của núi Jigongling ở vùng Ensi đi vào hoạt động. Tuyến đường dài 2,8 km, với độ dốc thẳng đứng, cao khoảng 650 m. Kể từ đó nơi này ngày càng nổi tiếng, riêng năm 2024 thu hút hơn 30.000 khách.
Tháng 5 vừa qua, tại một khu danh thắng khác dọc theo đoạn sông Thanh Giang ở Enshi, một tuyến đường núi mới đến nay thu hút khoảng 1.000 khách, đa phần là người trẻ. Lượng khách ngày càng tăng đã góp phần tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế của Enshi.
Quách Thanh, một huấn luyện viên 29 tuổi, đứng đầu một nhóm 6 hướng dẫn viên địa phương, cho biết một số đồng nghiệp trước đây đi làm xa nhà đã quay về và được đào tạo trở thành huấn luyện viên leo núi có chứng chỉ.
"Bây giờ chúng tôi có thu nhập ổn định ngay tại quê nhà", anh nói và cho biết thu nhập hằng tháng của mỗi người dao động từ 7.000 đến 8.000 nhân dân tệ (khoảng 25 đến 30 triệu đồng), hơn mức thu nhập trung bình của địa phương. Làn sóng du lịch mạo hiểm cũng đã giúp hồi sinh các dịch vụ địa phương và doanh nghiệp nhỏ. Hơn 150 việc làm đã được tạo ra trong các lĩnh vực lưu trú và bán lẻ.
Tường Long Bình, một nông dân, đã biến ngôi nhà của mình thành nơi lưu trú cho khách du lịch. "Trước đây, chúng tôi vất vả mưu sinh bằng nghề nông. Giờ đây, chúng tôi đón khoảng 3.000 khách du lịch mỗi năm và kiếm hơn 100.000 nhân dân tệ hàng năm (hơn 360 triệu đồng) chỉ từ du lịch", ông Tường nói.
Để phục vụ du khách tốt hơn, ông còn học nấu ăn và phục vụ các món đặc sản địa phương. Thành công của ông Tường đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân, với hàng loạt nhà nghỉ, quán ăn, cửa hàng mới mọc lên trong thị trấn.

Hình ảnh du khách leo núi tại Ensi tháng 7/2025. Ảnh: Xinhua
Nông nghiệp địa phương cũng đang gặt hái từ làn sóng du lịch này. Lưu Hiểu Lâm, một người trồng nho dưới chân núi Kê Cung Lĩnh, cho biết lượng khách du lịch tăng mạnh đã giúp tiêu thụ nho tăng đáng kể.
Ông Lưu cho biết kể từ khi "Via Ferrata" hoạt động, doanh số bán nho của ông đã tăng hơn 40%. "Trước đây chúng tôi rất khó tìm người mua nho, nhưng giờ với lượng du khách đến leo núi đông như vậy, việc tiêu thụ nho không còn là vấn đề", ông chia sẻ.
Tâm Anh (theo Global Times, Tân Hoa Xã)