![]() |
Thầy Đào Tuấn Đạt. |
Cuối cùng thì Bộ Giáo dục cũng đã nỗ lực đưa ra được ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, thay thế đồng thời cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết quả không mấy tin cậy và kỳ thi tuyển sinh vào đại học căng thẳng và cứng nhắc.
Chúng ta đã quen với hình ảnh một vận động viên điền kinh chạy nước rút về đích, anh ta ngã gục ở vạch đích vì kiệt sức. Cuộc chạy đua marathon trong giáo dục trước các kỳ thi cũng tương tự như vậy. Thầy trò vất vả là thế nhưng vẫn có hàng loạt điểm 0 trong kỳ thi đại học, hầu hết sinh viên ra trường không làm hài lòng nhà tuyển dụng, và nhiều học sinh, sinh viên tìm cách ra nước ngoài học tập khiến chúng ta lúc nào cũng băn khoăn mọi mặt về nền giáo dục nước nhà. Hy vọng bắt đầu từ thay đổi các kỳ thi, nền giáo dục nước nhà sẽ chuyển động tốt dần lên.
Một đất nước với gần 20 triệu học sinh phổ thông, nhiều hơn dân số Hà Lan (16,7 triệu), gấp vài lần dân số Thụy Sỹ (7,9 triệu), Áo (8,4 triệu)… Điều kiện giáo dục và chất lượng giáo dục khác biệt nhiều giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, và mang tính đặc thù cao. Mặt khác, tâm lý học để ứng thí và bệnh thành tích của các địa phương còn nặng nề. Thế nên nhất thiết phải có một kỳ thi làm thước đo chất lượng giáo dục chung ở phạm vi và trình độ quốc gia.
Vấn đề là kỳ thi quốc gia này nên được tổ chức vào thời gian nào và theo phương án nào để không chỉ dừng ở việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), làm cơ sở cho việc xét tuyển vào đại học mà còn phải thay đổi được việc dạy và học ở bậc phổ thông vốn đang nặng nề, thiếu linh hoạt, kém tính ứng dụng và học thuật.
Trong ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ đưa ra, phương án một thi theo môn có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, trong lúc điều kiện dạy và học còn khó khăn, chương trình và sách giáo khoa chưa thay đổi thì việc tổng hợp hay tích hợp bài thi là chưa phù hợp ở thời điểm này. Tiếp tục thi theo môn sẽ tránh được cú sốc tâm lý trước khả năng phải làm một bài thi tổng hợp hay tích hợp nhiều môn.
Vấn đề với giáo viên và học sinh không phải ở hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận, thời gian thi ngắn hay dài của mỗi bài thi hay số buổi thi, mà ở chỗ phải học bao nhiêu môn để tham gia kỳ thi đó? Hãy hỏi các em xem các em muốn thi từ 4 - 8 môn riêng rẽ hay làm các bài thi toán, ngoại ngữ, văn, lý - hóa - sinh, sử - địa và còn tích hợp cả tin, công nghệ, giáo dục công dân trong tương lai?
Thứ hai, các trường đại học được chọn môn xét tuyển thích hợp với ngành đào tạo của mình hơn là xét tuyển theo các khối thi cứng nhắc như hiện nay hoặc kết quả của một bài thi nhiều môn còn chưa rõ hình hài? Bài thi đó có phù hợp với mục tiêu tuyển chọn của mình không? Bài thi 180 phút cho cả ba môn lý - hóa - sinh có là cưỡi ngựa xem hoa, hay phải 270 phút?
Thứ ba, với quyền được chọn môn thi sẽ vừa đảm bảo sở trường của mỗi học sinh, tính chất cá thể hóa người học, vừa nhất quán với tính chất dạy học phân hóa. Chúng ta không thể đa dạng sản phẩm trên cùng một dây chuyền, cũng không thể có cá nhân độc đáo với quy trình đào tạo đồng loạt.
Thứ tư, để thích ứng được với cuộc sống hiện đại, con người vừa phải có kiến thức nền tảng tốt, vừa phải có kiến thức chuyên sâu để làm việc tốt ở một lĩnh vực nào đó. Ngoài ra lại cần phải rút ngắn thời gian học để đi làm sớm hơn, nghỉ hưu muộn hơn.
Để giải quyết bài toán này, xu hướng chung là phải tích hợp các môn học ở bậc trung học cơ sở (THCS) và phân hóa mạnh ở trung học phổ thông. Làm tốt việc tích hợp các môn ở cấp THCS giải quyết được việc trang bị kiến thức nền tảng tốt, nhất là trong thời kỳ kiến thức mới đang tăng theo cấp số nhân như hiện nay. Nhờ việc học phân hóa mạnh ở bậc THPT, ví dụ nếu chọn ban Toán thì hai năm cuối cấp, lớp 11 và 12, học sinh được học hầu hết các kiến thức đại cương về toán, lên đại học thời gian học lấy bằng cử nhân sẽ rút xuống.
Ở các nước Âu Mỹ, việc được cấp bằng cử nhân đa số được rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm thậm chí ít hơn, và học đại học sau 4 năm có thể lấy bằng thạc sỹ. Học sinh không thể học kiểu phân hóa mà thi tích hợp được. Cũng giống như một vận động viên cử tạ không thể thi 8 môn điền kinh phối hợp được! Chỉ cần học 3 môn thi vào đại học như hiện nay, chúng ta đã thấy các em học sinh kiệt sức trước cánh cửa vào đại học rồi!
Nếu chọn phương án một, thì có thể nghiên cứu thêm việc môn ngoại ngữ tự chọn như trong kỳ thi tốt nghiệp để tránh xáo trộn nhiều, tiếp tục đổi mới đề thi như trong kỳ thi đại học vừa qua và một số vấn đề khác thì có thể tiến hành kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015. Hơn bao giờ hết chúng tôi mong một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và không phải vỗ tay với những thành tích ảo.
Đào Tuấn Đạt