Chiều 3/10, ông Đào Trọng Thi, đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy (Hà Nội), trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tại đây, bên cạnh những thắc mắc lên quan đến đất đai, địa giới hành chính... nhiều cử tri còn nêu băn khoăn trước các vấn đề đổi mới trong giáo dục thời gian qua.
Một cử tri của phường Nghĩa Đô cho biết, ông không thể hình dung các cháu của mình sau 12 năm học sẽ thành con người như thế nào khi chương trình sách giáo khoa, thi cử cứ bất ổn như hiện nay. Phương án kỳ thi quốc gia chung ông nghĩ chưa phải là cuối cùng trong đổi mới tổ chức thi. Việc viết sách giáo khoa mới còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Ông cho rằng, giáo dục cần có sự đồng bộ, phân luồng rõ ràng. SGK mới khi viết, ngoài tiếp tục truyền cho học sinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc như sách cũ, còn phải chỉ ra, Việt Nam đứng ở vị thế nào trên thế giới. "Chúng ta tự hào vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người nhưng vị thế của chúng ta trên thế giới như thế nào? Điều này, cần nói rõ cho học sinh biết để các em ý thức được thực tế, cảm thấy xấu hổ và có quyết tâm, động lực vươn lên", ông nói.
![ky-thi-quoc-gia-chung-4611-1412341747.jp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/10/03/ky-thi-quoc-gia-chung-4611-1412341747.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S7_Pfrkv9GgUT3RTBJMPog)
Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi trả lời băn khoăn của các cử tri quận Cầu Giấy (Hà Nội) trong buổi tiếp xúc chiều 3/10. Ảnh: Quỳnh Trang.
Một cử tri khác, tên Kim cũng đồng tình rằng, các phương án cải cách giáo dục hiện nay của ta thiếu sự đồng bộ. Những vấn đề về cơ sở vật chất, con người, trách nhiệm của các cấp... để thực hiện đề án đổi mới sách giáo khoa, tổ chức kỳ thi quốc gia chung còn chưa được phân định rõ ràng.
Cử tri tên Dũng cho rằng, nếu cải cách giáo dục không toàn diện, thiếu sự quan tâm, đầu tư cho đội ngũ giáo viên, có thể gây ra những tiêu cực. "Lương giáo viên quá thấp nên họ đi dạy thêm cũng dễ hiểu thôi, nhất là khi đổi mới phương pháp thi, người học càng có nhu cầu. Chưa bao giờ tôi thấy sự học lại khó khăn đến vậy. Cháu của tôi ngày nào cũng sáng đến trường, trưa không được ngủ, đi học thêm đến 23h đêm mới được nghỉ ngơi", ông nói.
Ông Dũng còn bức xúc với vấn đề nộp phí đầu năm của học sinh. Hai cháu nhà ông, phải đóng 10 triệu đồng cho nhà trường, trong khi bố mẹ chúng làm mỗi tháng được 8 triệu.
Trước những trăn trở của cử tri, đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi chia sẻ trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo chương trình đổi mới giáo dục, trong đó có chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia chung, đề án đổi mới SGK để các đại biểu cho ý kiến.
Ông Thi cho biết, sau khi có Nghị quyết số 29 về đổi mới giáo dục của Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra chủ trương hành động và xây dựng thành 18 đề án, dự án triển khai trong có đề án lớn như: đổi mới chương trình sách giáo khoa, dự án phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học. Theo ông Thi, nếu thay đổi sách giáo khoa mà giáo viên, cơ sở vật chất không đồng bộ thì đề án chắc chắn thất bại lớn.
Việc viết sách giáo khoa, đại biểu Đào Trọng Thi khẳng định, không tốn kém lắm nhưng chi phí đào tạo đội ngũ giáo viên với hàng triệu người, phát triển cơ sở vật chất nhà trường cho đảm bảo thì lớn vô cùng. Trước đây, việc các cử tri nghe đến con số 70 hay 34.000 tỷ đồng là ngoài tiền làm sách còn liên quan đến vấn đề con người, trang thiết bị nhà trường. "Hệ thống trường học của ta có rất nhiều. Nếu đầu tư cho mỗi trường 1 tỷ thì cũng đã tốn đến hàng 100.000 tỷ đồng rồi", ông Thi nói.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam ta chưa đủ khả năng đáp ứng được nguồn kinh phí để cùng lúc đổi mới đồng bộ hệ thống giáo dục nên Quốc hội yêu cầu tập trung cho sách giáo khoa trước. Sách mới sẽ được viết sao cho phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có. Đa số các trường đã đầy đủ điều kiện về con người, trang thiết bị, chỉ một số trường vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn thiếu thốn, khó khăn hơn, Nhà nước sẽ có đầu tư phù hợp.
Quỳnh Trang