Bà Lau, 72 tuổi, sống cùng chồng và con trai út. Người phụ nữ miêu tả chồng là người gia trưởng, chưa từng giúp vợ làm việc nhà hay chăm sóc con bởi quan niệm trách nhiệm của đàn ông là kiếm tiền.
Ba đứa con lớn vẫn về ăn tối cùng gia đình, nhưng chỉ để tâm đến chiếc điện thoại. Khi bà nói chuyện, không một ai quan tâm. Điều này khiến người phụ nữ 72 tuổi luôn cảm thấy cô đơn.
"Tôi có cảm giác chồng con thờ ơ với mình. Đời sống hôn nhân, gia đình của tôi thật nhạt nhẽo, tốt nhất tôi nên mặc kệ tất cả và không cần trò chuyện với bất kỳ ai", bà Lau kể.
![Nhiều người già ở Singapore luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình nhưng không dám chia sẻ vì sợ định kiến. Ảnh: Thepeopleofasia](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/07/15/666666666-260-5244-1689410442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J3cFksg6JdgHKU42Oqi26w)
Nhiều người già ở Singapore luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình nhưng không biết chia sẻ với ai. Ảnh: Thepeopleofasia
Trên thực tế "dịch bệnh cô đơn" là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý trên khắp thế giới. Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy nhấn mạnh cô đơn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng bị đánh giá thấp, gây hại cho sức khỏe của từng cá nhân và xã hội.
Nghiên cứu năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Người cao tuổi (CARE) tại Trường Y Duke-NUS (Singapore) thực hiện, cho thấy cô đơn làm tăng nguy cơ tử vong của người lớn tuổi lên 7%. Điều này trở nên lo ngại hơn khi 39% người dân nước này, từ 62 tuổi trở lên cho biết đang cô đơn, theo một nghiên cứu đại diện trên toàn quốc của CARE. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cô đơn có tác động tương tự đến tỷ lệ tử vong như hút thuốc, bệnh tim mạch và giảm khả năng miễn dịch.
Bà Mdm Khadija (83 tuổi) là trẻ mồ côi từ năm hai tuổi. Được một gia đình nhận nuôi, nhưng bà lại lớn lên trong cảm giác bị cô lập khỏi xã hội, chưa bao giờ được đến trường như bạn bè cùng tuổi.
Sau hai lần ly hôn, bà một mình nuôi con trai. Nhưng khi trưởng thành, người này lại chuyển đến nơi khác làm việc và để con cho mẹ chăm sóc. Từ ngày đi làm xa, hai mẹ con bà Khadija gần như cắt dứt liên lạc, người cháu trai sống cùng bà cũng hiếm khi về nhà.
Mỗi lần thấy gia đình hàng xóm đoàn tụ, cụ bà 83 tuổi càng cô đơn và lo lắng sẽ bị bỏ rơi khi về già. "Tôi đã sống cả đời để lo cho gia đình, nhưng lúc già yếu lại không có ai để ý tới. Tôi rất muốn chia sẻ những điều này nhưng không biết phải nói cùng ai, bắt đầu từ đâu", bà nói.
![Gần 40% người Singapore từ 62 tuổi trở lên cho biết họ cô đơn trong một nghiên cứu mang tính đại diện toàn quốc của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Người cao tuổi Duke-NUS. Ảnh: CNA/Javier Lim](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/07/15/666666666-259-9600-1689410442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OtdtCMKa6xA3tIo7bTpqRg)
Gần 40% người Singapore từ 62 tuổi trở lên cho biết họ cô đơn nhưng không dám chia sẻ trong một nghiên cứu mang tính đại diện toàn quốc của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Người cao tuổi Duke-NUS. Ảnh: CNA/Javier Lim
Nhưng cả bà Khadija và Lau đều chưa từng nói về sự cô đơn của mình với bất kỳ ai, trừ chia sẻ trong khuôn khổ của cuộc nghiên cứu. Bởi với người già ở quốc gia này, thừa nhận cô đơn như ngầm ám chỉ những thất bại cá nhân hoặc có mối quan hệ tồi tệ với các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, suy nghĩ "tốt khoe, xấu che" càng khiến họ mong nỗi cô đơn của bản thân được ẩn giấu.
"Xã hội Singapore luôn nhấn mạnh vào sự tự chủ và độc lập, điều này khiến các nhân khó có thể thừa nhận sự cô đơn hay tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài", các nhà nghiên cứu nói.
Để đối phó với thực trạng trên, nước này đang tăng cường các dịch vụ kết bạn thông qua Văn phòng Thế hệ Bạc và Trung tâm Lão hóa Tích cực. Các sáng kiến quốc gia như Seniors Go Digital dạy người cao tuổi sử dụng công nghệ để khuyến khích giao tiếp giữa các nhà cung cấp dịch vụ xã hội, gia đình, y tế và xã hội cũng đang được thông qua.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng bắt đầu các chương trình thúc đẩy hoạt động tình nguyện và học tập suốt đời. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là khiến người cao tuổi phải hiểu rõ cô đơn không xấu và họ đủ quan trọng để đáng được quan tâm.
Minh Phương (Theo CNA)