Sáng 15/3, Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM tổ chức diễn đàn "Áo dài trong đời sống hiện đại" với sự tham gia giao lưu của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng - giám đốc Bảo tàng Áo dài...
Hàng trăm khán giả nữ đến dự buổi trò chuyện. Nhiều người trong số họ diện trang phục truyền thống để hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP HCM 2018. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc nổi bật với áo dài vàng thêu hoa. Những ngày qua, anh và các đại sứ của Lễ hội Áo dài đến với nhiều trường học để giao lưu với các em học sinh. Diễn viên chia sẻ anh thấy buồn khi nhiều trường đã thay áo dài trắng bằng đồng phục riêng. Không chỉ khuyến khích nữ sinh mặc áo dài mỗi đầu tuần, anh nêu ý kiến về việc các nam sinh nên mặc áo dài đi học.
* Thành Lộc nói về áo dài nam
"Tôi hỏi nam sinh có thích mặc áo dài không thì các em trả lời là 'có' nếu mặc áo dài vẫn thoải mái vận động, chơi đùa và không mất vẻ nam tính. Tôi nghĩ chúng ta có thể tổ chức một cuộc thi thiết kế áo dài cho nam sinh, nữ sinh sao cho thật thoải mái, tiện lợi và vận động các trường học cho áo dài quay lại. Nghĩ đến cảnh giờ chào cờ đầu tuần, sân trường tràn ngập áo dài trắng, chắc chắn sẽ rất đẹp", Thành Lộc chia sẻ.
Nghệ sĩ Ưu tú bày tỏ niềm vui khi truyền cảm hứng mặc áo dài cho nhiều người. Chẳng hạn ở vở nhạc kịch Tiên Nga do anh dàn dựng - đang diễn ở sân khấu Idecaf, tất cả diễn viên và người làm công tác hậu trường đều mặc áo dài. Nhìn thấy cảnh đó, khán giả đã truyền tai nhau để giờ đây, không ít người mặc áo dài đi xem kịch của anh.
![Thành Lộc muốn nhìn thấy tà áo dài trắng quay trở lại các trường THPT vì đó là một hình ảnh rất đẹp.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2018/03/15/thanh-loc-JPG-5407-1521106411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=69mFCqp9rVYXUeRxrmVQyw)
Nghệ sĩ Thành Lộc hy vọng tà áo dài trắng quay trở lại các trường học.
Ủng hộ ý kiến của Thành Lộc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng mong muốn áo dài sẽ phổ biến hơn nữa, trở thành thường phục, đồng phục mà người Việt Nam nào cũng có thể diện, nhất là khi đi nước ngoài. Trước việc áo dài cách tân xuất hiện tràn lan hiện nay, Sĩ Hoàng nhận định: "Không nên đổ lỗi cho nhà thiết kế vì có thể đó là những sản phẩm được may bán hàng loạt như hàng công nghiệp. Chuyện mặc hay không thì phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của từng người. Nói không ngoa nhưng nhìn vào bộ áo dài, chúng ta có thể đánh giá phần nào về văn hóa, phong cách của người mặc". Ý kiến này nhận được tràng pháo tay hưởng ứng từ khán giả.
Nhà thiết kế dẫn chứng những năm gần đây, nhiều người nhận ra áo dài tà ngắn trên gối, phối với váy đụp, quần lửng... trông không đẹp, không sang. Họ bắt đầu trở lại với áo phom dáng truyền thống, nếu có cách điệu cũng chỉ nhấn nhẹ ở phần tay lửng, quần ống ngắn và nhỏ hơn. Góp mặt ở diễn đàn, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM khẳng định với cuộc thi Duyên dáng Áo dài (nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài), ban tổ chức quy định thí sinh không được mặc kiểu áo này với váy đụp, quần quá ngắn hay cách tân đến mức không nhận ra.
Lễ hội Áo dài TP HCM bắt đầu từ năm 2014. Qua bốn lần tổ chức, chương trình trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch của thành phố. Chương trình 2018 diễn ra từ ngày 3 đến 25/3 tại các địa điểm quen thuộc của thành phố như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Áo dài... Hoa hậu Mỹ Linh, Thành Lộc, Diễm My... là đại sứ của lễ hội năm nay.