Không nằm trong tâm bão Wipha, song tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng diện rộng bởi mưa lớn kéo dài nhiều giờ liên tục. Chiều 22/7, tỉnh ghi nhận hàng trăm khu dân cư ở các vùng trũng thấp vùng đồng bằng, ven biển ngập sâu.
Cụ thể, cụm dân cư đông đúc cả nghìn hộ ở xóm Thành Lộc, xã Vạn Lộc chiều nay ngập sâu ngang thân người, có nơi đến gần một mét. "Mưa như trút từ đêm qua đến nay khiến mực nước dâng cao trông thấy, một số đồ đạc trong nhà chưa kịp kê cao đã bị ngập", bà Nguyễn Thị Lệ, 67 tuổi, nói.

Nước ngập sâu khiến xe chết máy được cảnh sát hỗ trợ di chuyển qua vùng ngập ở đại lộ Lê Lợi, phường Hạc Thành. Ảnh: Lam Sơn
Nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Bưởi... đang lên nhanh. Không chỉ vùng ven biển, nông thôn mà nhiều khu dân cư ở các phường trung tâm Thanh Hóa như Hạc Thành, Hàm Rồng, Đông Sơn cũng ngập sâu, người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đi lại.
Tại vùng miền núi, biên giới như Na Mèo, Pù Nhi, Mường Lý, Tam Chung... chính quyền di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn. Bộ đội biên phòng dựng tạm một số lều lán ở vị trí ít chịu ảnh hưởng lũ lụt cho người dân trú ngụ.
Ở xã Hóa Quỳ, hơn 100 hộ dân ở làng Mài bị cô lập do tuyến đường ngập sâu hơn một mét, các phương tiện không thể di chuyển qua lại. Chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng chức năng tổ chức tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân tạm ổn định cuộc sống chờ nước rút.

Đường phố Thanh Hóa biến thành sông sau mưa lớn trong bão Wipha. Ảnh: Lê Hoàng
Thanh Hóa thống kê có khoảng 20 xã, phường với gần 41.000 hộ và hơn 169.000 nhân khẩu đang sinh sống khu vực ven biển và cửa sông phải sơ tán khi có bão và lụt lớn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị kế hoạch, sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.
Cũng không nằm trong đường di chuyển của bão nhưng mưa lớn khiến một số địa bàn ở Nghệ An sạt lở, lũ quét.
Ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai (địa bàn giáp biên giới, thuộc huyện Tương Dương cũ), cho biết lũ xuất hiện từ 11h, kéo dài khoảng ba tiếng, cuốn trôi nhiều cây cầu bắc qua suối ở bản Nhôn Mai. Trụ sở Công an xã bị ngập sâu hơn nửa mét, quốc lộ 16 đoạn qua địa bàn bị chia cắt 4-5 điểm, ít nhất bốn bản bị cô lập.
Chính quyền địa phương đang phối hợp lực lượng chức năng tiếp cận các bản bị cô lập gồm Nhôn Mai, Cằng, Huồi Tụ và Lạ. Đến nay xã chưa ghi nhận thiệt hại về người, song ba ngôi nhà đã bị cuốn trôi, 20 căn khác nằm ven sông suối có nguy cơ sạt lở cao. Đường sá hư hỏng, hoa màu bị đổ rạp trên diện rộng.
Lũ quét đổ về trung tâm xã Nhôn Mai, ngày 22/7. Video: Hùng Lê
Đây là trận lũ quét thứ hai trong hai tháng qua tại Nhôn Mai - nơi thường xuyên hứng chịu thời tiết cực đoan nhưng thiếu thốn phương tiện ứng phó.
Lũ quét thường xảy ra ở các địa hình dốc như chân đồi, núi hoặc thung lũng. Hiện tượng nguy hiểm này cũng xuất hiện tại nơi có mật độ che phủ thực vật thấp, khiến lớp đất bề mặt kém ổn định.
Tại xã Yên Hòa (huyện Tương Dương cũ), mưa kéo dài từ đêm qua khiến tuyến đường chính vào bản Xốp Cốc và Tạt bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng. Cầu tràn Xốp Cốc ngập gần một mét, xe không thể đi qua.
Ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch xã Yên Hòa, cho biết khoảng 200 hộ dân ở bản Xốp Cốc và Tạt đang bị cô lập do mưa lũ. Một số hộ sống gần núi, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đã được chính quyền di dời đến nơi an toàn để tránh trú.

Một nhà dân ở xã Nhôn Mai bị đá từ vạt núi tràn vào, các thành viên trong gia đình đã được đưa đi tránh trú. Ảnh: Đức Hùng
Trên quốc lộ 16, đoạn qua xã Tri Lễ (huyện Quế Phong cũ) rạng sáng nay mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt dài hơn 10 m, nguy cơ sụt lún. Các phương tiện qua lại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Dọc tuyến còn ghi nhận nhiều điểm sạt lở nhỏ khác, đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường, gây ách tắc cục bộ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết tính đến chiều nay lực lượng chức năng ghi nhận một người bị thương, 74 gia cầm bị chết và cuốn trôi, 16 cột điện hạ thế bị gãy đổ, khoảng 200 m3 đất đá sạt xuống đường ở xã Keng Đu do ảnh hưởng bão Wipha.
Nhà chức trách Nghệ An đã di dời 121 hộ dân với 414 nhân khẩu ở các xã Nhôn Mai, Hữu Kiệm, Tam Thái (thuộc huyện Tương Dương cũ) đến nơi an toàn trú tránh, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt lúc 11h hôm nay đạt 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10-15 km/h. Trong đêm nay, bão đi chếch xuống khu vực Thanh Hóa rồi suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Từ nay đến ngày mai, mưa lớn tập trung tại phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Trung tâm khí tượng cảnh báo nguy cơ xuất hiện mưa lớn với cường suất trên 150 mm trong 3 giờ, tiềm ẩn rủi ro ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều khu vực.
Lê Hoàng - Đức Hùng