Gia đình nhỏ của tôi ở thành phố, nhưng bố mẹ hai bên vẫn sống ở quê vì thích sự thoáng đãng, ghét sự xô bồ, chật chội. Vì vậy, Tết đến, xuân sang, chúng tôi lại lái xe về quê ăn Tết với bố, mẹ. Và những lời "hành quân" về quê, du xuân như vậy, tôi lại thấy một bức tranh xấu xí của giao thông Việt Nam, mà không biết bao giờ mới có thể khắc phục, vì đó chủ yếu là nét xấu về "văn hóa" chứ không hẳn hoàn toàn có thể giải quyết bằng các chế tài xử phạt.
Đầu tiên, sự trật tự. Không hề có sự trật tự mỗi khi tắc đường. Trên cao tốc, các xe sẽ tràn vào làn khẩn cấp. Trên đường quốc lộ, ôtô sẽ len vào làn của xe máy sát bên phải, vốn được tách biệt bằng vạch liền trắng. Không ai nhìn ai, thấy người khác vượt, mình cũng vượt.
Thứ hai, kỹ năng yếu, thái độ kém. Rất nhiều xe đi bám làn trái trên cao tốc, và người khác xi-nhan, nháy đèn vài phút vẫn không chuyển sang làn phải, dù phía trước trống trải. Nhưng ngược lại, một bộ phận lại tỏ vẻ ta đây lái xe "giỏi", lạng lách đánh võng, đảo làn như "rang lạc", tạt đầu, thậm chí va chạm xe khác để chuyển làn, và chạy mất hút.
Thứ ba, sự quá tải vì phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Loại phương tiện giao thông tiện nghi nhất vẫn là xe cá nhân, vì phương tiện công cộng chưa phát triển. Bởi vậy, cứ ngày lễ, Tết là lượng xe ra đường tăng vọt, tắc cao tốc, tắc quốc lộ, tắc cả đường làng ngõ xóm. Không có cách giải quyết, vì đơn thuần là phương tiện quá đông đúc.
Thứ tư, văn minh đỗ xe âm điểm. Đúng, không phải là điểm 0, mà là điểm âm. Tết vừa rồi nhà tôi đi chùa, đi bệnh viện thăm người ốm, và cả hai lần tôi đều bị nhốt bởi rất nhiều xe vây xung quanh trong sân đỗ của chùa, bệnh viện. Qua cổng, lấy vé, hỏi bảo vệ đỗ ở đâu, bảo vệ chỉ vào một khu và nói "chỗ nào trống thì đỗ", không chia ô. Tôi đã cố gắng đỗ vào một nơi không ảnh hưởng tới ai, và để lại số điện thoại trên chân kính lái. Nhưng 15 phút sau quay ra, cơ man xe đã vây 4 phía, xe đỗ dọc, xe chéo, xe ngang, không theo quy luật nào. Chỉ có một xe trong đó để số điện thoại. Gia đình tôi già, trẻ, lớn, bé đành ngồi chờ gần 1 tiếng sau mới giải phóng đủ chỗ để ra ngoài.
Thứ năm, cái này nói ra có thể nhiều bạn cho rằng tôi có ý phân biệt, nhưng thực tế tôi gặp, những người ở tỉnh, nông thôn có ý thức chấp hành giao thông và kinh nghiệm đi xe thua xa người ở thành phố lớn. Ai cũng bật đèn pha chiếu xa vào buổi tối, tôi nháy pha mỏi tay mà họ không chịu dìm xuống. Người từ trong ngõ xe máy, xe đạp phi ra đường lớn nhưng trong sân nhà mình, không thèm quan sát. Đang đi bên lề phải, một người có thể ngoặt lái vèo phát rẽ sang trái, không xi-nhan, không một cái ngoái đầu nhìn phía sau.
Còn nhiều nữa những vấn đề, mà tôi chưa biết liệu có cách nào để thay đổi những điều này theo chiều hướng tốt đẹp hơn hay không?
Độc giả Nguyên Khoa