Rời viện về nhà gần một tháng, Cường vẫn phải cách ly trong phòng riêng, chưa thể ra ngoài chạy nhảy chơi Tết cùng bạn bè. Tuy nhiên, Cường vui vẻ, cười nói nhiều hơn, có thể tự đi lại thoải mái, không còn nhờ bố mẹ dìu bế. Một năm trước, biến chứng cường cận giáp do suy thận giai đoạn cuối khiến hai chân Cường đau yếu, đi lại rất khó khăn.
Thời gian rảnh rỗi, Cường đem giấy bút ra vẽ rồi hí hoáy tô màu, chủ yếu là tranh Phật. Những năm sống chung với bệnh suy thận giai đoạn cuối, cậu bé hay đọc kinh Phật, từng ước mơ khỏe mạnh để mở quán chay từ thiện.
"Trước đây chạy thận về là con mệt chỉ nằm, giờ có thể ngồi vẽ suốt 3-4 giờ không cần nghỉ ngơi", chị Kim Hảo, mẹ Cường nói. Cậu bé cũng ăn ngon ngủ ngon hơn, có thể ăn đến hai chén cơm, gấp đôi lúc trước. Mỗi ngày, Cường uống hai lần thuốc chống thải ghép, kèm 4 lần thuốc huyết áp, kháng nấm...
Ngày 5/2, Cường đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tái khám về chức năng thận và sang Bệnh viện Mắt TP HCM kiểm tra vì mắt hay bị chói khi ra ánh sáng, khô rát sau đợt đau mắt đỏ. Bác sĩ kết luận viêm giác mạc nặng, cần theo dõi điều trị.
Năm 2020, cậu bé được phát hiện suy thận giai đoạn cuối sau khi đột nhiên không ăn được, ói ra máu, khi đang học dang dở lớp 4. Một tuần ba ngày bất kể nắng mưa hay lễ Tết, Cường thức dậy từ 4h, được bố hoặc mẹ chở bằng xe máy vượt gần 70 km từ Long An đến Bệnh viện Nhi đồng 2 chạy thận. Từ cậu bé hiếu động, thích đá bóng, chạy nhảy cùng bạn bè, Cường dần trở nên trầm tính, ngoài lúc đi viện chỉ quanh quẩn trong nhà, cũng không thể tiếp tục việc học. Bệnh khiến Cường suy kiệt, từ 30 kg còn 23 kg.
Để Cường không phải gắn bó cả đời với bệnh viện, có thể sinh hoạt bình thường, hòa nhập cuộc sống, các bác sĩ tư vấn phương pháp ghép thận. Tuy nhiên, bố mẹ bé đều không phù hợp hiến thận. Cường ghi tên vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não - "chiếc phao cứu sinh" cuối cùng.
Ngày 20/12/2024, cậu bé phù hợp để ghép quả thận hiến tặng từ người đàn ông 47 tuổi chết não ở Bình Dương. Kinh tế gia đình khó khăn, không thể kham nổi chi phí ca mổ, Cường được Chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng - VnExpress) hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau mổ, bé duy trì uống thuốc chống thải ghép, thoát cảnh liên tục vào bệnh viện chạy thận. Phần chi phí điều trị chống thải ghép mỗi tháng vài triệu đồng đang được bệnh viện vận động một số nhà hảo tâm hỗ trợ.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nơi này đã thực hiện thành công 33 ca ghép thận cho trẻ, trong đó 3 trường hợp từ người hiến chết não, còn lại là từ người cho sống, cùng huyết thống. Ghép thận là một trong ba phương pháp thay thế thận, được xem là tối ưu trong điều trị suy thận mạn. Sau ghép, người bệnh có thể tái hòa nhập cuộc sống, chất lượng sống tốt hơn. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình sinh con khỏe mạnh.
Bệnh viện đang có hơn 40 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Các bác sĩ kỳ vọng có thêm nguồn tạng để có thể ghép cứu các bé. Hiện, khan hiếm nguồn tạng vẫn là trở ngại lớn nhất, còn trường hợp gia đình khó khăn không đủ chi phí ghép thì không đáng lo bởi bệnh viện có thể vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn cần ghép tạng, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây. |
Lê Phương