Alex Robinson, phóng viên tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh Wanderlust, trải nghiệm hành trình Bắc - Nam bằng đường sắt trên chuyến tàu Thống Nhất (The Reunification Express) mùa hè 2025. Anh chia sẻ về những cảm nhận của hành trình này hôm 10/7.
Đi trên tuyến đường sắt Thống Nhất năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt bởi cách đây 50 năm, Sài Gòn (nay là TP HCM) được giải phóng. Hành trình bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội ở phía bắc, nơi có những khu phố và đền chùa cổ kính, kết thúc giữa những tòa nhà chọc trời của TP HCM ở phía nam.

Một toa trên tàu Bắc - Nam. Ảnh: Alamy
Du khách có thể đi một mạch hết hành trình Bắc - Nam trong hơn 30 tiếng, nhưng đó không phải là điều thú vị, hãy dừng chân ở các địa điểm nổi tiếng trên đường đi, chầm chậm chiêm ngưỡng những cảnh đẹp dọc Việt Nam. Những dãy núi bao phủ bởi rừng rậm, những vịnh biển xanh ngắt, các hòn đảo và hang động khổng lồ. Tất cả khiến tàu Thống Nhất trở thành một trong những hành trình tàu hỏa biểu tượng trên thế giới.
Tuy nhiên, tàu Thống Nhất không "nhanh" như tên gọi (Express). Các đoàn tàu thường là những đầu máy diesel đơn giản với các khoang nằm điều hòa cơ bản. Chính hành trình mới là điều khơi dậy niềm vui, khi bạn lắc lư rời khỏi các vùng ngoại ô và những ga tỉnh lẻ, thong dong đi qua những vùng nông thôn, với những cánh đồng lúa bát ngát. Bạn sẽ thấy người dân đạp xe trên những con đường quê, thấy những bến cảng nhộn nhịp đoàn thuyền đánh cá.
Bạn có thể ghé thăm tất cả 8 di sản thế giới của Việt Nam từ các điểm dừng dọc đường. Sau Hà Nội, du khách nên dừng chân ở Ninh Bình. Nghỉ đêm tại đây sẽ cho bạn thời gian tận mắt nhìn thấy những cánh đồng lúa chín bên dòng sông uốn lượn ở Tam Cốc.
Sau Tam Cốc, hãy đến Đồng Hới để khám phá hang động ở Phong Nha. Một số hang được thắp sáng và có lối đi lát gỗ, một số hang khác mang đến những chuyến đi mạo hiểm trong bóng tối hoặc những chuyến đi trên thuyền thúng dưới những cột nhũ đá. Hang Sơn Đoòng rộng lớn đến mức bạn cần nhiều ngày để khám phá.

Lăng Minh Mạng Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỷ Cốc Tử
Huế từng là kinh đô của triều Nguyễn. Đại nội đồ sộ và uy nghi nằm bên bờ sông Hương, đối lập với Huế hiện đại, và được bao quanh bởi vùng nông thôn đầy những ngôi mộ đền và chùa tháp.
Sau đó, bạn có thể dừng chân ven biển Đà Nẵng hoặc ở trong một khách sạn boutique ở Hội An, một đô thị cổ vẫn giữ được nét hấp dẫn với cầu Nhật Bản và những ngôi chùa nhỏ. Từ Hội An, nếu có thời gian hãy ra đảo Cù Lao Chàm để xem ngư dân đánh cá trên những chiếc thuyền thúng. Bạn cũng có thể đạp xe qua vùng đồng lúa hay lang thang trong những tàn tích của Mỹ Sơn (Angkor của Việt Nam), nơi những ngôi đền 1.500 năm tuổi nằm trong rừng rậm, điểm xuyết bởi những hố bom B52.
Nếu Hà Nội cổ kính, thì TP HCM hiện đại hơn. Thành phố ngập trong ánh sáng của những tòa nhà chọc trời và những bảng hiệu neon. Xen giữa sự hiện đại này là những khu chợ người Hoa cổ xưa và những đại lộ kiểu Pháp, nhà hát opera và các cửa hàng thời trang. Vẫn còn những con hẻm khắp nơi, với những quán bar độc đáo và những quán ăn vỉa hè, nơi bạn bè tụ tập sau giờ làm để thưởng thức tô phở bên những chiếc bàn nhựa. Đừng bỏ qua cơ hội tham gia một tour để khám phá Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và hệ thống Địa đạo Củ Chi, thị trấn ngầm ẩn giấu dưới lòng đất.

TP HCM hiện đại. Ảnh: Quỷ Cốc Tử
Đường sắt Thống Nhất được quản lý bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có giá vé và hành trình được ghi rõ bằng tiếng Anh. Hãy đi toa hạng nhất để có giường nằm với đệm, chăn ga sạch sẽ và các bữa ăn, giá 75 bảng (khoảng 2,5 triệu đồng) từ Hà Nội đến TP HCM. Du khách cũng có thể đi một phần hành trình và sau đó nối chuyến bay tiếp theo trong nội địa hoặc tới các điểm khác ở Đông Nam Á.
Tâm Anh (theo Wanderlust)