Trịnh Công Sơn, mười năm, đi về đâu đó mà vẫn còn đó. Chỉ cần lên mạng Google, đánh tên Trịnh Công Sơn thì hẳn thấy.
Gần đây có chương trình "Con Đường Âm Nhạc" có kỷ niệm về "Hai mươi năm, Nhóm Những Người Bạn". Tôi ít khi được xem những chương trình như thế vì hay đi công tác nước ngoài. Hôm ấy, từ Trung Quốc về, đúng ngày 13/3 và xem chương trình ấy.
Nói thật là những bản nhạc của "7 người bạn" được chọn lọc không phải là những ca khúc hay nhất (đây là chủ quan của tôi). Tôi có cảm giác, sự hiện diện ấn tượng nhất trong chương trình đó là sự vắng mặt của Trịnh Công Sơn và hai người bạn khác, Thanh Tùng và Từ Huy ! Câu ngạn ngữ, những người vắng mặt là thường "thiệt thòi", thì không đúng lắm trong dịp này.
Nhưng rồi, tôi cũng ngồi viết những dòng này, tản mạn về những người bạn của Trịnh Công Sơn ! Tôi nghĩ là anh ấy sẽ thích. Vì thơ ca phản chiến, thơ ca tình yêu, họa chân dung của những người kiều nữ của anh thì đã nổi tiếng lắm rồi. Nhưng có một góc đời của anh, dù không được nói đến nhiều, mà tôi cảm nhận là không thể thiếu nơi anh, là những người bạn.
Anh là người có như bạn. Như, có người bạn, anh Cao Lập, đã có ý tưởng là cùng anh Sơn và một số bạn bè thành lập một quán gọi là Quán Hội Ngộ và nhờ anh ấy làm "gia chủ". Thật ra là như thế này, Cao Lập cùng một vài anh em khác rất yêu quý anh Sơn, vì có cơ hội có thể xây một "quán" trong một khuôn viên tĩnh lặng, ở Bình Quới gần bờ sông Sài Gòn. Và quán này là nơi để những người bạn tìm gặp, hàn huyên với người bạn lớn. Và nếu được, quán Hội Ngộ là nơi để có những người bạn trẻ nghệ sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, văn sĩ... đến chơi. Ở đây, có một người anh và một số bạn bè sẵn sàng nghe, đọc, ngắm, "bàn tán"...về dự định nghệ thuật và hay tác phẩm mới của họ. Đó là chính tấm lòng của Trịnh Công Sơn đối với ’bạn bè. Mà anh, trong những lúc dường như cuối khúc đường tuyệt vọng lại thốt lên "thôi ta còn bạn bè" để thấy đời còn "vui" được.
![]() |
Nguyễn Công Phú đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tháng 3/2001, chỉ ít ngày trước khi nhạc sĩ từ giã cõi trần. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cao Lập tìm tôi qua "chỉ dẫn" của một người bạn chung là Võ Như Lanh. Để làm gì, để tìm một chút đóng góp tài chính làm Quán Hội Ngộ, dù chi phí là không bao nhiêu. Cao Lập và một vài người bạn thích tìm được nhiều bạn bè, mỗi đứa chỉ bỏ ra một ít thôi. Cái quan trọng là "đông cho vui". Lẽ dĩ nhiên tôi đóng góp liền, vì thấy ý tưởng "hay, dễ chịu" và vì chính là ý tưởng của Trịnh Công Sơn! Tôi chỉ biết thích và quý anh Sơn dù thời gian gặp anh rất ít.
Quán Hội Ngộ, như có ai đã viết là quán mà chủ nhân "đi chơi" mãi chưa thấy về. Cao Lập vẫn tiếp tục thực hiện "công trình" quán này sau ngày Trịnh Công Sơn mất. Anh Sơn chỉ kịp lễ bái xin Thổ thần cho Cao Lập làm "quán"!
Một đêm, gần mười năm rồi, tôi đến tạt qua thăm quán Hội Ngộ khi mới xây xong, trong bóng tối, quán có cái tĩnh lặng hiu quạnh, tôi thấy một tấm biển dưới gốc cây, tò mò đến đọc. Thấy có tên mình ở đó. Lòng tôi có chút gì bồi hồi, Cao Lập có "nói gì cho tôi đâu".
10 năm qua gia chủ rong chơi chưa về, nhưng quán vẫn sinh hoạt như đã được ghi trong tôn chỉ và điều lệ !
Gần đây, tôi "tập tành" lên mạng xem thử Nguyễn Công Phú có ai còn nhớ không? Thấy tên mình trong "Điều lệ Quán Hội ngộ" như là thành viên sáng lập.
Tôi hình dung được một kịch bản như thế này: "Cao Lập cùng các anh em khác biểu quyết tôn chỉ và điều lệ của quán. Cao Lập hỏi Nguyễn Công Phú không có đây có nên đưa vào không? Trịnh Công Sơn có ý kiến: "Ừ Phú, hắn dễ thương, mình nghĩ cứ đưa vào!". Thế mà Cao Lập có bao giờ nói cho tôi biết đâu.
Ôi Cao Lập, những người bạn của Trịnh Công Sơn, tôi thật sự có làm được gì cùng với các bạn về Trịnh Công Sơn. Thế mà tên tôi được nhắc đến! Ngay đã có đến 9 đêm nhạc mà hội quán đã thực hiện để kỷ niệm ngày giỗ anh ấy mà tôi có dự được đâu! Những đêm nhạc dành cho những người yêu nhạc, yêu Trịnh Công Sơn, mỗi đêm hàng ngàn người và không thu tiền. Rất đặc biệt trong thời kinh tế thị trường này.
Có một tuýp bạn đặc biệt của anh là Rượu và Bạn rượu ! Nó bàng bạc đâu đó trong thơ ca của anh và trong đời sống bình thường. Tôi thì không được là người bạn loại này dù là rất thích. Tôi không uống được rượu, chỉ thích mua rượu cho bạn bè thôi.
Có một giai thoại mà tôi rất thích. Là Trịnh Công Sơn và Trần Tiến uống say. Nhưng Trần Tiến thì rất khỏe, dù say mèm vẫn vác được Trịnh Công Sơn trên vai, đưa về nhà Trịnh, để anh ấy lên giường đàng hoàng rồi mới khật khưỡng về nhà mình lăn đùng ngủ cho đến giữa trưa. Vấn đề là, khi cả hai thức giấc, thì Trịnh Công Sơn ngủ trên giường nhà Trần Tiến và Trần Tiến thì nằm dài trên giường của Trịnh!
Và cuộc say này lại có một giai thoại phụ, là Trịnh Công Sơn và Trần Tiến có kháo với nhau "moa-tớ" có một câu rất hay sẽ đưa vào một bản nhạc là "Tóc gió thôi bay". Đến bây giờ không ai biết được là "Tóc gió thôi bay" là từ ai. Tôi thì cho rằng đó là từ rượu, bạn của hai người này! Thế thôi.
Nói về rượu, thì Trần Tiến, ít ra có nợ Trịnh Công Sơn một chai rượu. Vì có một lần, tôi gặp Trần Tiến tại sân bay nước ngoài. Tôi mua hai chai rượu, một là để tặng Trần Tiến dù không quen thân lắm, một chai khác nhờ Trần Tiến đem về tặng Trịnh Công Sơn. Sau đó, gặp anh Sơn thì nghe anh nói : "Trần Tiến bậy thật, hắn nói với moa là chai rượu của Phú, trong một tiệc rượu, say bí tỉ với bạn bè ở Hà Nội, hắn lỡ đem ra uống luôn rồi! Thôi kệ!"
Một chút kỷ niệm rượu nữa mà tôi có với Trịnh Công Sơn, là một năm trước khi anh mất, tôi mua được một chai rượu nhỏ xinh xắn, bằng sắt chrome - nikel, thường để cho những tay rượu mà lại hay đi xa, cho đầy rượu, để vào trong va li nhỏ cầm tay hay ngay trong túi quần, có tu uống thì cũng kín đáo. Bận bịu, tôi chỉ tạt qua hội nhạc sĩ để tặng anh Sơn. Anh ấy đã kiêng rượu, ngồi nhâm nhi nước chanh với bạn bè. Tôi nói: "Thấy chai này đẹp mua cho anh để cầm chơi thôi nghe". Anh rất thích khoe với bạn bè: "Cái chai này đẹp hí, moa đãi các toa rượu, còn chai rượu moa giữ !"
Tôi hiểu là anh có nhiều bạn bè. Thân sơ không kể nổi. Nhưng anh rất quý trọng dù chỉ là gặp lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Như đi trên đường, gặp ai đó nở một nụ cười thân thiện chào, anh rất vui và nói : "Hắn dễ thương hỉ!"
Tôi biết nhân 10 năm kỷ niệm Trịnh Công Sơn đã một cõi đi về, Cao Lập sẽ cùng một số anh em làm một đêm nhạc như mọi năm. Và có lẽ, là lần cuối cùng mà Cao Lập làm để cùng "chơi" với Trịnh. Sau đó lặng lẽ ra đi. Rất khác một số chương trình, gọi là để kỷ niệm trong dịp này, nhưng là gồm toan tính, mưu cầu riêng tư. Tôi tin, có cả triệu con người, ngày 1 tháng 4 này như mọi năm, sẽ nhớ sẽ thương Trịnh Công Sơn. Trong đó có nhiều người sẽ đến nơi Anh yên nghỉ để đặt một đóa hoa hồng thắm thiết.
Mà dù không có những chương trình kỷ niệm đi nữa, tôi tin như Cụ Nguyễn Du, mười năm sau khi mất, có ai làm kỷ niệm gì đâu. Thế mà Cụ vẫn còn ở đây. Đúng là như văn hào André Malraux đã viết, văn hóa là gì còn sót lại khi bao nhiêu điều đã vào quên lãng. Những người như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, trăm năm nữa, vẫn còn "đi về" với nhân gian, với bạn bè qua những tiệc rượu. Ít ra bây giờ Anh không còn phải kiêng khem !
TS. Nguyễn Công Phú, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Tập đoàn APAVE (CH Pháp)