Người gửi: Thanh Tĩnh
Khi đọc những bài viết xung quanh vấn đề nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay tôi cảm thấy buồn vì cách làm khoa học của nước nhà và tủi cho phận mình. Buồn vì nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng chỉ có giá trị "tham khảo", tủi vì những người viết bài viết này đều là các nhà khoa học chuyên nghiệp còn tôi - tôi chỉ là một kẻ viết thuê.
Tôi chỉ là một sinh viên mới ra trường 2 năm. Tôi theo học một chuyên ngành khoa học xã hội, trong thời gian còn học đại học nhờ sự chỉ bảo tận tình và nghiêm khắc của các thầy là các nhà khoa học đầu ngành cộng với sự nỗ lực của bản thân nên tôi đã hình thành được một tư duy khoa học, được các thầy đánh giá là "khá tốt".
Tôi đã tham gia nghiên cứu nhiều công trình khoa học của sinh viên và cũng được các thầy "ưu ái" cho thực hiện một số chuyên đề khoa học thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ.
Ra trường, tôi ở lại Hà Nội và làm một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành đã được học - nhân viên kinh doanh cho một công ty phân phối máy tính. Công việc này giúp tôi giải quyết được nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền nhưng lại làm tôi đánh mất đi ước mơ "trở thành một nhà khoa học" của bản thân mình.
Để những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học không bị mai một, tôi thường xuyên viết các bài báo khoa học với nhiều loại đề tài khác nhau, tham gia nhiều cuộc thi viết do các báo, đài tổ chức, nhận thực hiện các loại tiểu luận, khoá luận tốt nghiệp cho sinh viên và học viên thuộc các ngành khoa học xã hội...
Tôi đến với nghiên cứu khoa học như một cơ duyên. Số là tôi có quen một vài người bạn có người nhà làm ở các trường đại học, học viện - thường xuyên nhận các chuyên đề khoa học về để thực hiện. Nhưng có một lần bạn tôi không làm được một chuyên đề thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước và chuyển cho tôi viết. Công trình của tôi được chủ nhiệm đề tài đánh giá cao. Thầy đã tin tưởng giao cho tôi nhiều chuyên đề khác nữa và tôi vẫn duy trì mối quan hệ ấy cho đến bây giờ.
Lý do để tôi thực hiện tất cả các công trình này ngoài tình yêu đối với khoa học còn một lý do khác - vì tiền. Tôi bán sức lao động của mình, "nặn" ra những, thực trạng, nguyên nhân, sáng kiến, giải pháp... chỉ vì tôi được thoả thuận bằng một hợp đồng thuê khoán chuyên môn: Tôi bán chữ và nhận được tiền.
Không phải tôi không quan tâm đến số phận của những chuyên đề mà mình đã viết ra mà dù có quan tâm tôi cũng không biết những cái tôi đã viết ra người ta dùng vào việc gì. Tôi chỉ biết rằng ngày qua ngày tôi vẫn viết và viết... Người ta có thể gọi tôi là thế này, thế khác nhưng tôi chỉ dám nhận mình là một kẻ viết thuê. Một bộ máy vi tính nối mạng, một vài cái thẻ thư viện - đó là công cụ để tôi thực hiện cái "nghề" của mình.
Có nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra mà bản thân tâm huyết nhưng chưa có đủ thời gian và sự hậu thuẫn để thực hiện vì tôi biết, nếu thực hiện những đề tài đó sẽ mất rất nhiều thời gian và tài chính. Tôi chỉ là một cử nhân thì làm sao có thể đấu thầu một công trình khoa học được...
Có những lúc, tôi giật mình với việc Thủ đô phải bỏ ra hơn 600 tỷ để cải tạo một dòng sông, giật mình với sự "loay hoay" của Bộ GD&ĐT trong việc cải cách tuyển sinh đại học... mà chả có một giải pháp nào có thể áp dụng thực hiện được ngay...
Đối với những vấn đề thực tiễn, khoa học đã chỉ ra rất nhiều vấn đề mang tính chiến lược, mang tầm vĩ mô nhưng lại thiếu các giải pháp cụ thể ở tầm vi mô, không tìm ra được khâu "đột phá" của vấn đề. Cái yếu của các công trình khoa học hiện nay là tính khả thi của vấn đề nghiên cứu.
Tôi không đồng ý với quan điểm cái nào yếu, cái gì chưa làm được trong nghiên cứu khoa học lại đổ lỗi cho cơ chế quản lý, hệ thống quản lý, vận hành, cơ sở vật chất, hạ tầng...
Theo tôi, muốn tạo ra khâu đột phá cần bắt đầu từ việc tuyển dụng, đào tạo và sử dụng các nhà khoa học, bản thân các nhà khoa học phải ý thức được trách nhiệm xã hội và danh dự nghề nghiệp trước khi cho ra đời những "đứa con đẻ" của mình. Khi đó, xã hội sẽ không còn tồn tại những “kẻ viết thuê” như tôi và nhiều người khác nữa.