
Một cổng đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi năm 2016. Ảnh: Digital Globe.
Vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc tháng 4, Kim Jong-un công bố kế hoạch đóng điểm thử nghiệm Punggye-ri ở vùng núi đông bắc nước này. Bình Nhưỡng sau đó thông báo sẽ mời các phóng viên từ Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ đến nước này ngày 23-25/5 để quan sát việc phá hủy và đóng cửa các đường hầm.
Một thập niên trước, vào lần gần đây nhất Triều Tiên đàm phán với Mỹ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã cho nổ tháp hạ nhiệt tại nhà máy hạt nhân Yongbyon như một phần của thỏa thuận hạn chế chương trình vũ khí. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, ông đã cho lắp ráp lại lò phản ứng để sản xuất plutonium cấp vũ khí. Đó là lý do các chuyên gia hiện nay thận trọng trước động thái của Kim Jong-un, theo Fortune.
Punggye-ri được cho là gồm ba khu phức hợp đường hầm bao quanh bởi đá granite - cấu trúc lý tưởng để chịu được các vụ nổ lớn. Nó nằm giữa biên giới Trung Quốc với biển Nhật Bản - cung cấp một "khoảng không gian vô hạn" để thử nghiệm dưới lòng đất", theo Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân Đông Á tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California.

Vị trí của Punggye-ri. Đồ họa: Conversation.
Cơ sở này đã bị hư hại sau khi Triều Tiên tiến hành 5 vụ thử hạt nhân nhưng chưa đến mức khiến nó không còn được sử dụng được, theo các nhà phân tích của trang 38 North Frank Pabian, Joseph Bermudez Jr. và Jack Liu.
Ảnh vệ tinh ngày 7/5 cho thấy một số tòa nhà hỗ trợ bên ngoài các cổng phía bắc, phía tây và phía nam của Punggye-ri đã bị đánh sập trong khi một số đường ray chở hàng đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, việc Triều Tiên xóa bỏ Punggye-ri không đồng nghĩa với việc nó sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Các cơ sở nói trên có thể được thay thế dễ dàng như tháp hạ nhiệt Yongbyon. Lewis, thuộc Viện Middlebury, lập luận rằng việc mở lại lối vào đã bị bịt kín cũng có thể tiến hành dễ dàng.
"Một điểm thử nghiệm mới có thể được xây dựng trong 3-6 tháng, tùy thuộc vào số nhân công" Suh Kune Y, giáo sư hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul nói.
Triều Tiên được cho là có mạng lưới hầm ngầm có quy mô rất lớn nhằm khiến gián điệp và các nhà hoạch định quân sự Mỹ và Hàn Quốc khó theo dõi hoạt động của nước này. Bình Nhưỡng có thể còn các địa điểm khác Punggye-ri để tiến hành các vụ thử. Suh chỉ ra rằng Triều Tiên đề cập đến cơ sở Punggye-ri là "khu thử nghiệm phía bắc", tức là có thể ám chỉ còn những khu khác.
Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm không cần phải thực hiên dưới lòng đất. Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã đề cập rằng nước này có thể kích nổ một quả bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng có thể sẽ không tiến hành thêm các vụ thử. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tự coi mình là cường quốc hạt nhân sau khi tiến hành số vụ thử tương tự và họ đã không thử bom kể từ năm 1998. Trong tuyên bố ngày 20/4 về việc đóng cửa Punggye-ri, ông Kim cho biết nỗ lực của nước này trong việc chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo đã tiến bộ tới mức không còn cần thêm các vụ thử nữa.
Tuy nhiên, nước này hôm nay đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ nếu Washington đơn phương thúc ép họ từ bỏ hạt nhân, khiến các chuyên gia lo ngại về việc Triều Tiên chỉ đang tỏ ra có các động thái giảm căng thẳng nhằm câu giờ.
"Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ sử dụng chiến lược của Kim Jong-il, lôi kéo Mỹ vào các cuộc đàm phán kéo dài để cho Bình Nhưỡng có thời gian tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân nhằm câu giờ cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020", Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nhận xét.
Phương Vũ