Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Tôi bị phản ứng kháng sinh có tiêm được vacxin ngừa Covid không bác sỹ?
Chào chị,
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 chỉ chống chỉ định với người có phản ứng với vaccine và các thành phần có trong vaccine Covid-19. Trong vaccine Covid-19 không chứa các thành phần/hoạt chất có kháng sinh, nên nếu chị có phản ứng với một loại kháng sinh nào đó thì vẫn được tiêm chủng. Tuy nhiên, chị nên tiêm chủng tại bệnh viện nhé.
Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em có tiền sử là nhịp nhanh xoang, bình thường nhịp tim em từ 85-95 lần/phút. Do em chủ quan, không đi khám và không dùng thuốc nên sau khi tiêm AstraZeneca mũi một, vừa dứt kim tiêm ra nhịp tim em tăng vọt nhanh toàn 135-140 lần/phút. Sau khi nằm theo dõi sau tiêm 30 phút, về nhà tim em vẫn bị dội từng cơn, từng cơn ào đến như vậy, khá liên tục.
Em tiêm từ ngày 12/9 đến nay vẫn phải theo dõi, sáng uống thuốc concor 2.5 mg và chiều 15h uống procoralan 5 mg (1/2 viên), em uống đều hằng ngày. Từ lúc tiêm tới giờ em bị mất ngủ, trước thời gian tiêm em ngủ rất ngon. Hiện tại em dùng thêm thực phẩm chức năng bổ não và magie B6 bổ thần kinh thì cơ thể em hiện tại mới đỡ mệt hơn chút.
Bác sĩ tư vấn giúp, em có nên tiêm mũi 2 không và nếu tiêm nên tiêm thuốc gì? Tình hình dịch căng nên em lại càng bị tâm lý. Sau tiêm mũi một và bị vậy, em đi chuyên khoa tim mạch, khi siêu âm thành tim dày 200. Ngoài ra, em còn có tiền sử dịch đầu gối năm 2019 và đã từng hút dịch gối phải 2 lần liền nhau. Rất mong nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Em cảm ơn ạ!
Chào chị,
Theo thông tin chị chia sẻ có lẽ chị đã đi khám và được cho dùng thuốc Concor và Procoralan (là 2 thuốc hạ nhịp tim khi nhịp tim nhanh). Không rõ chị đã được làm các xét nghiệm và thăm dò gì để chẩn đoán rối loạn nhịp nhanh của chị hay chưa ví dụ: xét nghiệm máu, chức năng tuyến giáp, theo dõi nhịp tim lưu động 24 giờ bằng máy Holter điện tim... Nhịp tim người bình thường ở lứa tuổi chị sẽ dao dộng trong khoảng 60-100 nhịp/ phút, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp nhanh như: cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (nhịp nhanh trong cơn 140-180 ck/phút, xuất hiện và kết thúc đột ngột), cường giáp (nhịp tim thường xuyên nhanh), thiếu máu, cường giao cảm, lo lắng căng thẳng...
Vấn đề rối loạn nhịp của chị tăng lên sau khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZenneca không rõ lúc đó huyết áp của chị có tăng/tụt không, có triệu chứng khó thở, mẩn ngứa, nôn mửa... không, có được chẩn đoán phản vệ với vaccine không hay chỉ ghi nhận nhịp tim nhanh không triệu chứng? Một số trường hợp ghi nhận rối loạn nhịp sau tiêm tuy nhiên cũng thường kèm theo tình trạng căng thẳng lo lắng của người bệnh.
Việc tiêm phòng bổ sung vaccine Covid-19 mũi 2, mũi 3... là cần thiết trong tình hình hiện tại. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là bệnh viện đa chuyên khoa, có sự kết hợp các chuyên ngành và các thầy thuốc chuyên khoa hàng đầu. Chị có thể mang theo các giấy tờ kết quả khám và đơn thuốc cũ đến khám chuyên khoa Tim mạch để loại trừ các bệnh lý tim mạch kết hợp với chuyên khoa Tâm lý để điều chỉnh rối loạn giấc ngủ. Chúc chị sức khỏe!
Để đặt lịch khám với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, em năm nay 31 tuổi, em chuẩn bị có kế hoạch mang thai nên bây giờ em bắt đầu uống Prenatal multi + DHA 200 mg DHA bổ sung trước. Theo em tìm hiểu thì phụ nữ chuẩn bị mang thai chỉ cần bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày là đủ. Nhưng trong thành phần của Prenatal multi + DHA 200 mg DHA thì lượng axit folic lên đến 800 mcg.
Nếu em uống mỗi ngày một viên (lượng axit folic gấp đôi) thì có ảnh hưởng gì không? Nếu em uống trong vòng 3 tháng mà vẫn chưa có thai thì em vẫn tiếp tục uống Prental cho đến khi nào có thai thì có được không hay là em phải ngưng trong thời gian bao lâu thì mới được uống lại? Em xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Việc bổ sung vitamin là cần thiết trước và trong thời gian mang thai, nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc, vì trong thức ăn hằng ngày nếu đầy đủ dinh dưỡng cũng giúp bạn được bổ sung một phần. Hơn nữa, thuốc bổ cũng có nhiều loại, nếu không hợp với loại này, bạn có thể thay thế loại khác chứ không buộc phải dùng loại thuốc đó mới tốt nhất được. Bạn có thể sắp xếp thời gian đến khám để bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn cho bạn.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Xin chào bác sĩ, thời gian vừa rồi, chồng em là F0, đã tiêm vaccine 2 mũi, mũi cuối cùng từ tháng 9. Hiện nay, em đã hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày, tính đến nay là 21 ngày hiện tại sức khỏe bình thường, khỏe mạnh. Bác sĩ cho em hỏi, vợ chồng em có dự định thả bầu có được không và có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Chồng em 45 tuổi và em 33 tuổi. Em xin chân thành cảm ơn!
Chào chị,
Hiện tại chưa có đủ bằng chứng chứng minh nhiễm SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người nam và nữ. Tuy nhiên, để có một thai kỳ khỏe mạnh, chị cần chuẩn bị sức khỏe cũng như tiêm ngừa một số bệnh cần thiết đủ thời gian trước khi mang thai. Anh chị có thể đến các trung tâm Sản Phụ khoa uy tín để được khám và tư vấn tiền mang thai.
Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, triển khai đa dạng các gói thăm khám và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ, sẵn sàng hỗ trợ anh chị.
Rất mong sớm được đón tiếp anh chị đến thăm khám. Để đặt lịch khám với các bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ qua tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Kính gửi bác sĩ, mắt em một bên thường xuyên bị co giật. Em có đi khám ở bệnh viện thì họ bảo do mắt em bị cận một độ mà không đeo kính nên mắt bị yếu. Em cũng thi thoảng bị đau đầu nên bệnh viện có chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não để xem có vấn đề gì không. Bác sĩ kết luận là não của em bình thường và về uống thuốc theo chỉ định. Nếu sau một tháng không đỡ thì tái khám.
Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc viên uống sáng mắt và lọ nhỏ mắt. Em uống đã được 20 ngày rồi nhưng tình trạng mắt em vẫn không đỡ. Mắt giật giật thường xuyên khiến em rất khó chịu. Em nhờ bác sĩ tư vấn giúp, em cảm ơn bác sĩ nhiều.
Chào bạn,
Trường hợp cận một độ là không cao nhưng cũng làm người bệnh nhìn không rõ, đôi lúc phải căng mắt ra để tập trung nhìn một vật nào đó, có thể gây mỏi mắt, giật mắt. Bạn đã khám mắt và chụp MRI, kết luận không có gì nghiêm trọng thì có thể yên tâm. Với tật máy cơ mắt, bạn nên nghỉ ngơi, làm việc điều độ, áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20, tránh thức khuya, dẹp bỏ phiền muộn, suy nghĩ là có thể tự hết. Bạn cũng có thể chườm ấm, kết hợp xoa mắt. Thân mến!
Thưa bác sĩ, em bị thoái hóa hai khớp gối. Cứ mỗi khi đứng là nhức mỏi từ gối xuống tới chân, bước đi thì kêu lạo xạo đau nhức, ngồi xuống đứng lên phải dùng hai tay chống mới ngồi xuống đứng lên được. Em nhờ bác sĩ tư vấn nên dùng thuốc gì?
Chào bạn,
Điều trị thoái hóa khớp gối cần phối hợp nhiều biện pháp, bao gồm hạn chế các động tác có hại cho khớp gối như không ngồi xếp bằng, không ngồi chồm hổm, hạn chế quỳ, leo cầu thang... Bên cạnh đó, người bệnh nên giảm cân, tùy tình trạng và mức độ mà có thể dùng các thuốc chống thoái hóa như Diacerein, tiêm chất nhờn, huyết tương giàu tiểu cầu, kháng viêm... Với một số trường hợp khớp lệch trục, thoái hóa nặng, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật.
Do đó, lời khuyên dành cho bạn là nên đến khám trực tiếp tại các bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp để bác sĩ đánh giá tình trạng gối và lên liệu trình phù hợp nhất cho bệnh của mình.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ hotline Hà Nội: 1800 6858, TP HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng.
Tôi bị GERD, viêm sung huyết hang vị, luôn có cảm giác chướng bụng, buồn nôn, đau ở thượng vị, sáng đi cầu 3 lần. Tôi muốn nọi soi dạ dày và đại tràng ở bệnh viện mình, không biết chi phí như thế nào? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi!
Chào bạn,
Theo các triệu chứng bạn kể trên, bạn nên đến khám tại Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ sẽ thăm khám và xem xét chỉ định nội dạ dày và nội soi đại trực tràng cho bạn, tùy theo chỉ định nội soi sẽ có mức chi phí khác nhau.
Bạn vui lòng gọi điện đặt lịch hẹn khám theo số hotline 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM), bộ phận tổng đài sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Thân mến!
Chào bác sĩ, hai đầu gối tôi ngồi lâu đứng dậy đau lắm, đi phải cong đầu gối. Ngồi lên đứng xuống ghế cao, thấp đều đau nhói. Tôi có khám bác sĩ cho uống diacerein và kháng viêm. Gần đây, tôi đau dữ dội luôn. Xin bác sĩ tư vấn giùm tôi. Cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Triệu chứng đau đầu gối khi đi lại, giảm khi nghỉ ngơi, đau nhiều khi đứng lên ngồi xuống có thể là do thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, nếu bạn có triệu chứng đau dữ dội, có khi khớp gối đỏ, sưng to cũng không loại trừ có thể bị viêm khớp gối do gout hay viêm khớp dạng thấp kèm theo.
Do đó, bạn nên trực tiếp đến khám để loại trừ hai bệnh lý này. Sau khi có chẩn đoán xác định, việc điều trị thoái hóa khớp gối mới hiệu quả.
Để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo hotline 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bác sĩ, em thường ăn các đồ nhiều đạm như cua, ghẹ... là sáng hôm sau thường bị đau bụng tiêu chảy (tùy thuộc vào ăn nhiều hay ít mức độ đau khác nhau), lâu lâu bị đi tiêu có máu. Có những lúc em bị stress công việc hoặc cùng lúc suy nghĩ nhiều thứ thì cũng hay bị đau bụng lâm râm, nhiều lúc quặn lại. Bác sĩ cho em hỏi triệu chứng như vậy em cần làm gì? Xin bác sĩ cho tư vấn.
Chào bạn,
Đây là dạng rối loạn chức năng tiêu hóa, có thể gặp là hội chứng ruột kích thích. Các yếu tố bạn kể chính là nguyên nhân hay có thể nói là yếu tố thúc đẩy hình thành nên các bệnh về ruột của bạn. Thức ăn, tâm lý cần được thay đổi cho hợp lý chính là cách chữa trị đầu tiên cần áp dụng. Bạn cũng nên sắp xếp đi khám với bác sĩ tiêu hóa để có thể làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng thông thường như siêu âm bụng, sinh hóa máu hoặc nội soi giúp chẩn đoán và chữa trị tốt nhất. Thân ái!
Mẹ em năm nay 67 tuối bị hoại tử khớp háng do điều kiện gia đình khó khăn không thể thay khớp háng được nên chỉ uống JEX. Sau khi xem qua mạng thì thấy có nhiều sản phẩm xương khớp khác có bán trên mạng nên em muốn nhờ các bác sĩ tư vấn giúp mẹ em nên sử dụng loại nào là tốt nhất để đảm bảo bảo sức khỏe?
Chào em,
Theo miêu tả, bệnh lý của mẹ em là hoại tử chỏm xương đùi. Nếu đúng như vậy thì bệnh lý này không có thuốc điều trị. Các thuốc giảm đau kháng viêm chỉ giúp hỗ trợ để đỡ đau. Nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng chỉ có thay khớp háng mới giúp điều trị triệt để. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có thể hỗ trợ các vùng xương khớp khác chứ không có lợi ích gì trên chỏm xương đã hoại tử.
Nếu muốn đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể gọi tổng đài 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Trân trọng!