Sự xuất hiện này mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Bắc Kinh đang định vị bản thân là lãnh đạo toàn cầu, trong bối cảnh các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể xem xét lại ảnh hưởng của mình đến thế giới.
WEF năm nay được tổ chức trùng với thời điểm Mỹ chuyển giao quyền lực. Ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1 - ngày cuối cùng diễn ra WEF.
Từ khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc đã thực hiện những chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, đồng thời tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các sáng kiến thương mại. Năm ngoái, không nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến Davos. Một trong số ít người đến - Fang Xinghai - lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc - thì lại dành phần lớn thời gian bảo vệ cho cách làm của Trung Quốc trong đợt lao dốc chứng khoán đầu năm.
![su-troi-day-cua-trung-quoc-tai-davos](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/01/16/xi-jinping-7206-1484540409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JrvdBmmeZDkOeYZ0bPEu7g)
Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc tham dự WEF ở Davos. Ảnh: Reuters
Vì thế, sự xuất hiện của ông Tập năm nay là một sự khác biệt rất lớn. Tháng 6 năm ngoái, Anh đã bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU). Sau đó, bà Hillary Clinton thất bại trước ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trump là người ít kinh nghiệm chính trị, và có nhiều tuyên bố muốn thay đổi các quy tắc chủ chốt đã định hình trật tự thế giới nhiều thập kỷ nay.
"Sự xuất hiện của ông Tập tại Davos là chỉ báo cho tham vọng của Trung Quốc. Họ muốn ra tín hiệu rằng mình đã sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, và sẽ nhận vai trò lãnh đạo tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình", Eswar Prasad - cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc nhận xét.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đã tỏ thái độ không hài lòng với các hiệp định quốc tế. Ông còn định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì cho đây là "một thảm họa".
Trung Quốc dĩ nhiên không ngồi yên. Họ đã thúc đẩy hiệp định thương mại do chính mình khởi xướng - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP). RCEP gồm 16 quốc gia, sẽ bao phủ 30% GDP toàn cầu và hơn một phần tư thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, vì không thể tạo tầm ảnh hưởng tại Ngân hàng Thế giới (trụ sở tại Mỹ) và Ngân hàng Phát triển châu Á (Nhật Bản đóng vai trò quan trọng), Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để thành lập một ngân hàng cơ sở hạ tầng mới.
"Khi các nước trên thế giới còn đang phân tích việc Trump làm tổng thống có ý nghĩa gì trong quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách định vị bản thân là một cường quốc đáng tin cậy, cởi mở với quan hệ song phương và đóng vai trò lãnh đạo trước cộng đồng thế giới", Prasad cho biết.
Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay là "Lãnh đạo nhạy bén và có trách nhiệm". WEF sẽ tìm hiểu ý nghĩa của những thay đổi gần đây, và tìm ra cách phản ứng lại.
Tuy nhiên, khi Đức - đại diện cho chuẩn mực châu Âu - vắng mặt năm nay do Thủ tướng Angela Merkel sắp đối mặt với cuộc bầu cử trong nước, và Mỹ tập trung vào việc chuyển giao quyền lực, Davos năm nay sẽ là cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. "Trung Quốc đang muốn lấp bất kỳ chỗ trống quyền lực nào mà Mỹ để lại", Prasad cho biết.
Hà Thu (theo CNN)