Vở có buổi phúc khảo hôm 22/5 tại Nhà hát Bến Thành (quận 1). Ngày ra mắt, đạo diễn - diễn viên chính Đình Toàn cho biết hạnh phúc khi được đồng hành tác phẩm gắn tuổi thơ nhiều khán giả. "Chúng tôi cảm ơn khán giả đã cùng ngồi và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích trong Ngày xửa ngày xưa, từ đó định hình phong cách biểu diễn mới", Đình Toàn nói.
Đình Toàn nói lời giới thiệu về 25 năm "Ngày xửa ngày xưa" và vở mới, sáng 22/5. Video: Mai Nhật
Tác phẩm số 36 do nghệ sĩ Quang Thảo đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian ở Hàn Quốc. Câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa loài người và yêu tinh Dokkaebi (Đại Nghĩa), cùng chặng đường lập quốc của hậu duệ Thần Mặt Trời. Nhân vật chính là Đàn Quân (Đình Toàn), con trai do Thiên Tôn (Quang Thảo) và Thiên Nữ (Thanh Thủy) sinh ra. Chàng vốn mang "thiên mệnh" sẽ là vua đầu tiên của xứ sở vào năm 18 tuổi.
Tuy nhiên, suốt thời ấu thơ, chàng và mẹ phải sống ẩn danh để tránh sự truy lùng của yêu tinh. Khi lớn lên, biết được nguồn gốc của bản thân, Đàn Quân quyết tâm tiêu diệt thế giới yêu ma, với sự hỗ trợ của bốn nữ thần - Lửa (Hồng Ánh), Nước (Hoàng Duyên), Gió (Mỹ Duyên), Đất (Tuyền Mập).

Cảnh Đàn Quân (Đình Toàn) nhảy múa với bốn nữ thần trong "Ngày xửa ngày xưa 36". Ảnh: Idecaf
"Bầu" Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sàn diễn - cho biết vở được đầu tư về phần phục trang, tạo hình. 15 nhân viên của Nhà hát múa rối Nụ Cười (đơn vị do ông Tuấn thành lập) may hơn 100 bộ đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, họa tiết. Khâu mỹ thuật, bối cảnh được tăng cường so với nhiều số trước, như mô hình cây đàn hương - cội nguồn linh khí của vùng đất, hang động của chúa tể Dokkaebi.
Vở hiện có khoảng 15 suất, diễn từ ngày 24/5-24/6, trong đó một số suất đã "cháy" vé. Trên website bán vé Ticketbox, một số hạng mục như VVIP, trên lầu ở các đêm diễn được bán hết. "Chúng tôi hạnh phúc khi chương trình duy trì sức nóng suốt 25 năm, song đó cũng là áp lực cho dàn nghệ sĩ", ông Tuấn nói.
Ngày xửa ngày xưa là series nhạc kịch thiếu nhi do sân khấu kịch Idecaf sản xuất từ năm 2000 đến nay. Loạt kịch trở thành chương trình giải trí dịp hè được trẻ em yêu thích hơn hai thập niên qua. Trong mỗi câu chuyện cổ tích, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Hoàng Trinh gửi gắm những bài học đối nhân xử thế, qua các vở như: Tấm Cám, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Aladdin và đủ thứ thần, Chuyện thần tiên xứ phù tang.
Hữu Châu, Thành Lộc trong trích đoạn "Tấm Cám: Ngày xửa ngày xưa". Video: Idecaf
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, khi ra mắt tháng 6/2000, vở đầu tiên - Tấm Cám - tạo cơn sốt "chưa từng thấy" với hàng chục nghìn lượt vé được bán ra. Năm 2022, khi trở lại sau hai năm hoãn vì dịch, vở số 33 Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai được hưởng ứng với tổng cộng 55 suất diễn - số lượng kỷ lục. Năm 2023, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu chia tay với thương hiệu kịch này khi rời Idecaf, chuyển qua sân khấu khác.
Mai Nhật