Kể từ 1/7/2025, chính thức bãi bỏ các cơ quan hành chính cấp huyện nên so với quy định trước đây, thủ tục sang tên sổ đỏ mới có một số thay đổi. Về cơ bản sẽ thay đổi cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ và thời gian xử lý hồ sơ nhanh hơn trước.
Căn cứ Phần V Phụ lục I được ban hành kèm Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai hướng dẫn chi tiết thủ tục sang tên sổ đỏ như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (Mẫu số 18 ban hành kèm theo Nghị định 151)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp (sổ đỏ).
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (hợp đồng mua bán nhà).
Lưu ý thêm:
- Bạn cần công chứng hợp đồng mua bán và kê khai lệ phí trước bạ khi chuẩn bị hồ sơ.
- Nếu có nhiều người nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (bên mua) mà có thỏa thuận cấp chung sổ thì bạn phải nộp thêm văn bản thỏa thuận.
- Nếu sổ đỏ đang được thế chấp và đã đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thì bạn phải nộp thêm văn bản của bên nhận thế chấp về việc đồng ý cho bên thế chấp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Bạn có thể chọn nơi nộp hồ sơ là Bộ phận Một cửa hoặc Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Vì kể từ ngày 1/7/2025, chính thức bãi bỏ cơ quan hành chính cấp huyện nên bạn cần tra cứu địa chỉ cụ thể của Bộ phận Một cửa (cấp xã), Văn phòng đăng ký đất đai (cấp tỉnh) hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (cấp xã) nơi dự định nộp hồ sơ để tránh mất thời gian di chuyển khi làm thủ tục.
- Khi nộp hồ sơ, bạn lưu ý nộp bản sao và xuất trình bản gốc sổ đỏ để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu.
- Thời gian xử lý hồ sơ tối đa 8 ngày làm việc (trước đây là 10 ngày làm việc).
- Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ và cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ hẹn trả kết quả. Nếu chưa đủ thì trả hồ sơ kèm Phiếu yêu cầu bổ sung hoàn thiện.
Lưu ý thêm về việc đo đạc, xác định lại diện tích thửa đất:
- Nếu thửa đất đã được cấp sổ đỏ theo bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì Văn phòng đăng ký đất đai không phải đo đạc, xác định lại diện tích thửa đất, trừ khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
- Nếu thửa đất đã được cấp sổ nhưng chưa dùng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất, người sử dụng đất có nhu cầu cấp sổ mới hoặc thuộc trường hợp phải cấp mới thì Văn phòng đăng ký đất đai trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa theo quy định để thể hiện sơ đồ của thửa đất trên sổ đỏ.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế
Văn phòng đăng ký đất đai gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính (Mẫu số 19 ban hành kèm theo Nghị định 151) đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.
Thông thường trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bên chuyển nhượng (bên bán) có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và bên nhận chuyển nhượng (bên mua) có nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Bước 4: Nhận sổ đỏ đã được sang tên
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp sổ mới hoặc xác nhận thay đổi trên sổ và trao sổ cho người được cấp.
Thạc sĩ luật Nguyễn Trúc Anh