Thay vì dừng lại để thở dốc như đa phần mọi người khi về đích, Fran Boyd vẫn tiếp tục chạy thêm một đoạn với niềm sung sướng khó tả. Sau đó cô tiến về khu vực trao giải và gặp đại diện Ban tổ chức. Họ trao cho cô tấm huy chương danh giá, đánh dấu thành tích hoàn thành đủ 6 giải chạy lớn nhất hành tinh, bao gồm Berlin, Tokyo, New York, Boston, Chicago và London.
Ông giám đốc hỏi: "Câu chuyện của cô là gì?". Fran Boyd trả lời: "Tôi là bệnh nhân ung thư vú. Tôi đã chiến đấu với nó hơn 5 năm". Nói xong cô bắt đầu bật khóc. Cầm tấm huy chương trên tay, runner sinh năm 1967 biết mình đã làm được điều phi thường khi nằm trong số ít vận động viên trên thế giới hoàn thành đường chạy 42km của World Marathon Majors.
![Fran Boyd chinh phục 6 giải chạy lớn nhất hành tinh dù mắc ung thư vú. Ảnh: American Cancer Society.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/10/30/111-9337-1633961645-7047-1635569897.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yCYQWU1RFsSDR_l9DgM2qQ)
Fran Boyd với chiếc áo mang ý nghĩa "người sống sót". Ảnh: American Cancer Society
Quay trở lại thời điểm năm 2013, Fran Boyd khi đó đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cô vốn là người cẩn thận, giữ thói quen chạy bộ và chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Trong lần kiểm tra này, bác sĩ chẩn đoán Fran mắc bệnh ung thư vú ác tính. Nhưng nhờ phát hiện sớm, bệnh chưa di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Nhiều tháng sau đó, Fran Boyd tuổi phải trải qua những đợt hóa trị và phẫu thuật tái tạo ngực. Nguy cơ tử vong đã giảm đáng kể nhưng căn bệnh đã lấy đi hết sinh khí của cô. Fran Boyd không nghĩ bản thân có thể vận động lại như xưa. Vậy nhưng, nỗi nhớ những đường chạy một lần nữa thôi thúc cô tiếp tục. Runner tìm đến những người bạn chạy của mình và nhờ sự hỗ trợ. "Tôi có một nhóm tuyệt luôn sẵn sàng hỗ trợ. Tôi không thúc ép bản thân quá sức và cố gắng đi bộ nhẹ nhàng. Dần dần, tôi đã có thể đi nhanh hơn".
Chỉ một năm sau khi điều trị ung thư vú, Fran Boyd đăng ký tham gia giải marathon đầu tiên. Đó là cuộc thi Kentucky Derby Marathon vào năm 2014. Những bước chạy của cô như đập tan định kiến về giới hạn mà một bệnh nhân ung thư có thể vượt qua.
Bức ảnh Boyd cán đích ở cuộc đua năm đó được treo ngay chính tại phòng khám ung thư đã điều trị cho cô. Trong lần đến tái khám, Boyd đã hỏi bác sĩ về tác dụng khi treo bức ảnh ở đó. Bác sĩ đáp: "Hầu như ai đến đây đều sợ hãi vì mắc ung thư. Tôi đã cho họ xem bức ảnh và nói đó là một bệnh nhân đang chạy marathon. Điều này giúp những bệnh nhân có thêm niềm tin vào sự sống".
![Boyd cùng chồng tham gia một giải chạy. Ảnh: Baptist Health.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/10/30/232-4907-1633961645-1904-1635569897.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hMW3txySOdo18ig6YqJ_gg)
Boyd cùng chồng tham gia một giải chạy. Ảnh: Baptist Health
Năm 2015, khi cùng chồng là Brian chuyển công ty gia đình đến vùng Floria, cô bị thu hút bởi một nhóm runner mặc đồng phục vàng đang chạy bên bờ biển Pompano. Máu thể thao một lần nữa trỗi dậy, Boyd xin tập luyện chung.
Để động viên vợ, ông Brian cũng cùng tập dù trước đây chưa chạy bộ bao giờ. Brian chia sẻ: "Vợ tôi cần chạy bộ để khỏe hơn. Tôi thì cần cô ấy sống tiếp để gia đình hạnh phúc".
Với marathon, Boyd tìm lại được niềm vui sống sau những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư vú. Năm 2016, hai vợ chồng cùng đăng ký tham dự Berlin Marathon, sau đó là Tokyo Marathon. Năm 2019, cô hoàn thành đủ bộ sưu tập World Marathon Majors khi cán đích tại London Marathon.
Với Boyd, chạy bộ chính là cách giúp bản thân mạnh mẽ hơn từng ngày. "Bất cứ khi nào cảm thấy không muốn tập luyện, tôi đều tự nhủ mình phải chạy và có thể chạy tiếp. Vượt qua căn bệnh ung thư thật khó khăn nhất là khi chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nỗ lực giúp ta thắng tất cả".
Sự kiên cường và quyết tâm của Boyd còn truyền động lực đến chồng của cô, Brian. Anh tự hào vì người vợ tuyệt vời của mình. Từ ngày cùng tập với vợ, Brian đã giảm từ 125kg xuống còn 90kg. Anh không còn đau nhức và cao huyết áp như xưa.
Brian chia sẻ: "Tôi phải làm những điều tốt nhất để trở thành chỗ dựa cho vợ. Nhờ chạy bộ, chúng tôi khăng khít hơn. Tôi và vợ tìm được nhiều điểm chung trong cuộc sống".
Boyd đã có một cái kết viên mãn cho những nỗ lực chiến đấu với bệnh tật. Nhớ lại những ngày mới phát hiện ung thư vú, cô nói: "Thói quen tầm soát định kỳ đã cứu sống tôi". Giờ đây, runner 54 tuổi đã chiến thắng căn bệnh ung thư vú. Mục tiêu tiếp theo chinh phục cuộc đua marathon 7 ngày trên 7 lục địa khác nhau.
Hoài Phương (theo American Cancer Society)
Genetica đang đồng hành cùng Báo VnExpress tổ chức giải chạy ảo "Sức mạnh nơ hồng" để lan tỏa thông điệp thấu hiểu với bệnh nhân ung thư vú. Runner tham gia giải có cơ hội được giải mã gene bằng phân tích ADN trong mẫu nước bọt để đưa ra kết quả sàng lọc về các bệnh ung thư phổ biến, tiềm năng thể chất, trí tuệ, xu hướng hành vi, giúp hiểu rõ cơ địa và thể trạng cá nhân".Đăng ký tham gia giải miễn phí tại đây và nhận ưu đãi xét nghiệm từ Genetica.