From: T.H
To: <webmaster@vnexpress.net>
Sent: Monday, April 08, 2002 6:47 AM
Subject: Gui ban Nga Thanh, ve bai "Co phai Bo giao duc da qua voi vang".
Ở các nước khác, họ cũng chỉ có một kỳ thi ĐH chung cho cả nước, và một thí sinh có thể dùng nó để xin học vào 3-4 trường khác nhau, không phân biệt NV 1 hay 2. Như thế là cơ hội của các em thí sinh tăng lên chứ không bị mất đi.
Cũng có người cho rằng làm như thế sẽ xảy ra trường hợp một thí sinh đỗ vài trường, và chỉ đi học một trường. Như vậy, các trường khác lại phải hạ điểm chuẩn. Theo tôi, các trường ĐH đều lưu hồ sơ của thí sinh vào database trong máy tính, việc trao đổi thông tin qua net cũng dễ dàng. Do đó, việc Bộ tổng hợp lại hồ sơ của thí sinh từ các trường không mấy khó khăn, cũng chẳng mất thời gian để kiểm tra xem thí sinh đó trúng tuyển bao nhiêu trường. Sau đó, có thể gọi thí sinh theo NV 1 và ưu tiên suất trúng tuyển của các trường khác cho những người khác. Cũng có thể dùng cách khác (một số nước đã áp dụng), tôi không dám chắc là có thực hiện được không: Chỉ sau khi biết kết quả kỳ thi, các em thí sinh mới quyết định xem mình nên nộp hồ sơ các trường nào, khi đó thì các em sẽ tự lượng được sức mình. Mong các bạn cho ý kiến bàn thêm về vấn đề này.
Qua những vấn đề Nga Thanh nêu, tôi thấy bạn khá quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh, nhưng dường như bạn thiếu hiểu biết thực tế về các kỳ thi đại học ở Việt Nam.
Việc mỗi thí sinh nộp 4-5 bộ hồ sơ là do tâm lý còn tồn tại từ những năm trước đây. Nó sẽ mất đi vào những năm sau, khi bố mẹ và các em học sinh quen với việc tổ chức thi một lần và suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định. Bạn thân mến, số tiền 33.000 đồng/bộ ấy là dùng cho việc in ấn tài liệu và để các trường ĐH trả tiền cho việc xử lý hồ sơ của các thí sinh. Số tiền đó, các trường không thu lợi được nhiều lắm đâu, nếu không muốn nói là phải bù lỗ. Còn khi nào học sinh đến thi, các trường đều phải thu thêm lệ phí, và lệ phí ấy, chỉ cho kỳ thi tuyển sinh, hầu như trường ĐH nào cũng thiệt, phải lấy ngân sách của trường ra để bù thêm (có trường ĐH có 20.000 thí sinh đăng ký, nhưng chỉ 7.000 thí sinh đến thi, trong khi vẫn phải thuê giám thị và phòng thi cho đủ 20.000 người là một ví dụ).
Nếu bạn biết rằng chính quyền các địa phương, cảnh sát, giao thông trật tự phải huy động lực lượng phục vụ các kỳ thi như thế nào; bao nhiêu vấn đề xã hội nảy sinh khi tổ chức một kỳ thi ĐH mà các địa phương có địa điểm thi phải gánh chịu; rồi thì khi có con em thi, bố mẹ các em phải bỏ công việc, lo lắng đưa các em đi thi như thế nào; thì mới thấy là cần thiết phải giảm bớt các đợt thi ra sao.
Việc tổ chức thi một đợt và ra đề chung cũng có nhiều cái lợi. Kiểm soát một vài đề thi sẽ dễ dàng hơn nhiều so với kiểm tra đề thi của tất cả các trường. Bộ có thể lập một ngân hàng đề thi. Như thế, việc sai sót sẽ đỡ hơn rất nhiều và giảm bớt việc lộ đề.
Việc chấm thi, bạn Nga Thanh nói là "nhỡ có sự không trong sáng". Đúng là tiêu cực thì ở đâu cũng có, dù là tổ chức thi dưới hình thức nào. Nhưng kiểu "có thể gia đình thí sinh bỏ tiền ra để một trường ĐH chấm điểm thật cao rồi cam kết không vào trường ấy" để vào trường theo NV 2 thì thật buồn cười vì không thể có. Tại sao họ không "chạy" thẳng vào trường mà mình thích (điều này đã và vẫn thường xuyên xảy ra), mà lại phải đi đường vòng thế? Thêm nữa, không một ai lại có thể "được điểm cao rồi cam đoan không vào học", không một giáo viên hay một trường ĐH nào lại tin và làm chuyện ngớ ngẩn và trẻ con đó. Còn chuyện công bằng cho các thí sinh, trong khi chấm thi bao giờ cũng có đáp án, các giáo viên dù ở đâu chấm thì cũng phải theo đáp án. Tất nhiên, việc chấm chênh nhau 1-2 điểm là chuyện thường, và điều đó nằm trong sự cho phép.
Phải nói thêm rằng kỳ thi nào cũng có may rủi, đó là chuyện chúng ta phải chấp nhận. Nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, kiến thức vững vàng, thì chuyện may rủi cũng chỉ là tỷ lệ rất nhỏ. Chẳng lẽ chỉ vì để tránh may rủi, chúng ta phải tổ chức 2 hay 3 kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT và ĐH để tránh thiệt thòi cho tất cả các em? Làm sao mà có thể có sự công bằng tuyệt đối được.
Tóm lại, tôi nghĩ là những khó khăn của việc tổ chức một kỳ thi chung toàn quốc sẽ dần được khắc phục qua thời gian. Chủ trương thi một lần của Bộ đáng được sự ủng hộ của toàn xã hội. Cái lợi của nó không chỉ về trước mắt mà còn lâu dài.