-
14h45
'Nên áp thuế khoán với hộ kinh doanh nhỏ để đảm bảo an sinh'
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn, làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm. Liên quan tới thu thuế với hộ kinh doanh, ông Phớc cho biết Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu bỏ thuế khoán từ đầu năm 2026. Theo ông, việc bỏ thuế khoán là đúng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền quy định về thuế khoán này theo mức doanh thu, nhằm tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông ví dụ, hộ kinh doanh nhỏ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng một năm thì nên áp dụng thuế khoán, bởi họ không có hóa đơn đầu vào. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh không được hoàn thuế. Theo ông, bản chất hộ kinh doanh phải nộp 3 loại thuế, gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân.
"Áp dụng chính sách thuế với hộ doanh thu nhỏ thì sẽ đảm bảo thuận lợi cho cơ quan thuế, hộ kinh doanh, không thất thu ngân sách", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn, chiều 19/6. Ảnh: Giang Huy
Với hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng một năm, có địa điểm kinh doanh cố định thì cần thu theo hóa đơn để minh bạch, chống thất thu, theo Phó thủ tướng.
Nói thêm về chính sách thuế, Phó thủ tướng cho biết thuế suất hiện thấp hơn so với bình quân chung của thế giới.
Chẳng hạn, thuế VAT hiện là 10%, và 5 năm qua giảm 2% với một số hàng hóa, dịch vụ về còn 8%. Trong khi đó, thuế này tại nhiều quốc gia 17-27%. Hay Việt Nam áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Loại thuế này tại một số nước trong khu vực châu Á là 20-30%, thậm chí 20-35%.
"Chúng ta đã có nhiều chính sách thuế ưu đãi, khoan sức dân. Quan trọng là cần tiết kiệm cả chi đầu tư, chi thường xuyên để có nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và thực hiện an sinh xã hội", Phó thủ tướng chốt lại.
-
14h25
Cần thu hút doanh nhân vào quản trị nhà nước
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) quan tâm tới việc ưu tiên cho doanh nhân được tham gia quản trị quốc gia. "Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở thực tiễn nào và những nhiệm vụ cụ thể nào để đội ngũ doanh nhân được tham gia vào quản trị quốc gia một cách thực chất", ông chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết thời kỳ hội nhập, đội ngũ doanh nhân đã khẳng định vị thế trong nhiều lĩnh vực và đóng góp đáng kể trong nhiều vấn đề của đất nước. Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều doanh nhân xuất sắc đã được tín nhiệm, giới thiệu tham gia giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức chính trị, cơ quan dân cử.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: Giang Huy
"Chính phủ và bộ ngành cũng tận dụng tối đa chất xám của doanh nhân tham gia vào các dự án, đề án lớn và các vấn đề nhân dân quan tâm", ông nói. Song, doanh nhân tham gia vào hệ thống chính trị còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có chủ trương huy động doanh nhân xuất sắc, có tâm, có tầm tham gia quản trị đất nước.
Về giải pháp, ông Thắng cho rằng phải tạo cơ chế pháp lý thuận lợi, khuyến khích doanh nhân tham gia vị trí tư vấn, quản lý nhà nước hoặc ứng cử vào cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp; tạo điều kiện tối đa cho trao đổi, đối thoại thường xuyên giữa Nhà nước với doanh nghiệp, nhất là trong phản biện, xây dựng và thực thi chính sách. Ngoài ra, doanh nhân cần tuân thủ đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật và nâng cao trình độ, uy tín để tham gia vào các vị trí trong hệ thống chính trị.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, còn 30 đại biểu đăng ký và chưa được trả lời chất vấn.
-
14h15
Doanh nghiệp FDI sẽ phải đào tạo lao động khi tuyển dụng
Đại biểu Nguyễn Công Long (đại biểu tỉnh Đồng Nai) đề cập thực trạng hiện nay các doanh nghiệp FDI tối đa hóa lợi nhuận nhưng thường không đào tạo và tận dụng triệt để lao động trong nước. Họ đẩy gánh nặng đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà nước, địa phương.
"Các doanh nghiệp này thường dùng các chiêu thức như hợp đồng thử việc, sau đó sa thải người lao động, đặc biệt là người có tuổi, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của họ", ông nêu và đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết vấn đề này được giải quyết thế nào trong quá trình thu hút FDI.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 19/6. Ảnh: Giang Huy
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói bên cạnh những đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp FDI cho tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu và thu ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khu vực FDI cũng có doanh nghiệp có vấn đề trong tuyển dụng và sử dụng lao động.
Khu vực FDI hiện đang thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm gần 10% tổng số lao động Việt Nam, chiếm 20% tổng lao động làm công ăn lương của Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI còn gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Tuy nhiên, ông Thắng cho hay có 57% doanh nghiệp FDI có đào tạo cho người lao động. Mức lương bình quân của lao động làm việc khu vực FDI cao hơn so với khu vực Nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Còn 43% doanh nghiệp FDI chưa có kế hoạch đào tạo cho người lao động. "Đây cũng là vấn đè chúng ta cần phải quan tâm", ông Thắng bày tỏ.
Để bảo vệ và cải thiện chất lượng lao động khu vực FDI, ông Thắng cho hay cần tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh. "Khi thu hút FDI thì vấn đề đào tạo lao động phải được đưa vào là một điều kiện thu hút các doanh nghiệp FDI", ông nói.
Việt Nam sẽ ưu tiên đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, bảo vệ tốt hơn các nhóm lao động, đặc biệt là lao động yếu thế trong thị trường lao động.
-
14h05
Cách nào để khơi thông nguồn lực thị trường tiền tệ, bất động sản?
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn tỉnh Hậu Giang dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thị trường vàng bất ổn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế vĩ mô, lạm phát thách thức tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.
"Với vai trò quản lý nhà nước ngành kinh tế, Bộ trưởng có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên", bà hỏi.
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn tỉnh Hậu Giang chất vấn, ngày 19/6. Ảnh: Giang Huy
Trả lời, Bộ trưởng Thắng cho biết các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản có tính liên thông, được ví như mạch máu lưu thông, phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Các thị trường này tiềm ẩn rủi ro, nhạy cảm với biến động thị trường thế giới, nên cần giải pháp căn cơ, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này.
Theo ông Thắng, các thị trường này chịu sự quản lý giám sát của nhiều bộ, địa phương. Bộ phối hợp cùng các cơ quan, ban hành Nghị quyết 01 gồm nhiều giải pháp phát triển thị trường, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành tham mưu Chính phủ triển khai nhiều giải pháp điều hành về tài khóa, đảm bảo chính sách tiền tệ hàng tháng, quý, từ đó xây dựng khung pháp lý minh bạch, giúp các thị trường vận hành ổn định
Để phát huy hiệu quả các thị trường này, ông Thắng nói cùng các cơ quan hoàn thiện khung pháp lý, sàn giao dịch hiện đại, minh bạch; tăng kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chính sách thuế để điều tiết, định hướng thị trường; tháo gỡ khó khăn, để khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh ngiệp đầu tư.
-
Đại biểu lo doanh nghiệp FDI 'đẩy gánh nặng' đào tạo nhân lực cho địa phương
Kết thúc phiên chất vấn sáng 19/6, còn 9 đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Bộ trưởng Thắng có thêm khoảng 1 giờ để trả lời chất vấn các đại biểu. Sau đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn tỉnh Hậu Giang dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thị trường vàng bất ổn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế vĩ mô, lạm phát thách thức tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.
"Với vai trò quản lý nhà nước ngành kinh tế, Bộ trưởng có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức này", bà hỏi.
Ông Nguyễn Công Long (đại biểu tỉnh Đồng Nai) đề cập thực trạng hiện nay các doanh nghiệp FDI tối đa hóa lợi nhuận nhưng thường không đào tạo và tận dụng triệt để lao động trong nước. Họ đẩy gánh nặng đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà nước, địa phương.
"Các doanh nghiệp này thường dùng các chiêu thức như hợp đồng thử việc, sau đó sa thải người lao động, đặc biệt là người có tuổi, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của họ", ông nêu và đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết vấn đề này được giải quyết thế nào trong quá trình thu hút FDI.
Ông Nguyễn Công Long (đại biểu tỉnh Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Tài chính, ngày 19/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Còn ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu tỉnh Quảng Trị quan tâm tới việc ưu tiên cho doanh nhân được tham gia quản trị quốc gia.
"Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở thực tiễn nào và những nhiệm vụ cụ thể nào để đội ngũ doanh nhân được tham gia vào quản trị quốc gia một cách thực chất", ông chất vấn.