Dự luật rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) do Phó thủ tướng Zsolt Semjen đệ trình đã được thông qua tại quốc hội Hungary hôm nay với 134 phiếu thuận và 37 phiếu chống.
"Hungary kiên quyết phản đối việc sử dụng các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tòa hình sự, làm công cụ gây ảnh hưởng chính trị", theo nội dung dự luật được đăng trên trang web của quốc hội.
Việc quốc gia thành viên rút khỏi ICC sẽ có hiệu lực một năm sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo bằng văn bản về quyết định này.

Bên ngoài Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan tháng 3/2021. Ảnh: Reuters
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban ngày 3/4 thông báo sẽ rút khỏi ICC, ngay sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm nước này. Đây là chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của ông Netanyahu, người bị ICC phát lệnh bắt hồi tháng 11/2024 vì cáo buộc phạm "tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh" ở Dải Gaza.
ICC được thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. ICC hiện có 125 quốc gia thành viên.
Khi là thành viên của ICC, về mặt lý thuyết, Hungary có nghĩa vụ bắt và giao nộp ông Netanyahu cho cơ quan này. Tuy nhiên, Thủ tướng Orban đã tuyên bố sẽ không thực thi lệnh bắt, gọi đây là hành động "không thể chấp nhận".
Ông Orban những năm qua ủng hộ mạnh mẽ người đồng cấp Netanyahu, sẵn sàng phản bác các tuyên bố hay hành động của châu Âu nhằm chỉ trích Israel. Tháng trước, Thủ tướng Hungary nói rằng ICC "không còn là tòa án công bằng, thượng tôn pháp luật, mà là một tòa án chính trị".
Thủ tướng Netanyahu hoan nghênh động thái của Hungary là "táo bạo và có nguyên tắc". "Đây là điều quan trọng với mọi nền dân chủ, cần đứng lên chống lại tổ chức đã mục nát này", ông Netanyahu phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Orban tại Budapest tháng trước.
Huyền Lê (Theo Reuters)