
Không có sử sách hay truyền thuyết nào ghi lại rừng thị có từ bao giờ. Mỗi cây thị đều có tên gọi riêng như cây Búp, bà Vải, Khe, Bảy chồi, Cộc... Chúng bám vào sườn núi Ngọc mà phát triển, che chở dân làng ở Đồ Sơn (Hải Phòng) khỏi bão tố, bom đạn của kẻ thù.

Cây thị Bảy chồi nghìn năm tuổi có đường kính tại gốc là 8 m, được người Đồ Sơn gọi là "Thần cây". Đồ Sơn có 17 cây thị cổ thụ vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam thứ hai, sau quần thể cây đa búp đỏ tại đảo Dấu được công nhận vào năm 2013.

Anh Đỗ Văn Minh, cán bộ phường Ngọc Xuyên giới thiệu cửa hầm bí mật được du kích đào dưới gốc hai cây thị Bảy chồi và Khe thời chống Pháp. Cửa hầm giờ đã bị đất đá, lá cây che phủ một phần.

Anh Minh và đồng nghiệp được giao nhiệm vụ đo đạc, khảo sát các cây thị cổ.

Cây thị Khe có tuổi trên 800 năm, cao 20 m, đường kính thân 1,4 m. Thân cây bị rỗng và có thể chứa được hai người lớn. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gốc cây trở thành căn hầm bí mật cho du kích trú ẩn.

Cây thị Bà Vải trên 800 năm tuổi, cao 20 m, tán rộng, đường kính thân 1,8 m. Cây có dáng kỳ lạ, toàn bộ rễ trồi lên mặt đất cao tới cả mét. Thời kỳ kháng chiến, du kích chọn cây này làm điểm báo canh.

Rễ cây thị Vải trồi lên mặt đất đen như đá. Ông Hoàng Đình Bình, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho hay, nếu không bị chiến tranh tàn phá và bị người dân chặt bỏ lấy đất làm nhà thì số cây thị cổ sẽ lớn hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Đệ (85 tuổi, trú ở phường Ngọc Xuyên) cho biết, cây thị Búp bị giặc Pháp đốt chết. "Nếu nó còn sống chắc chắn sẽ là cây thị to lớn nhất, cây cao 5 m mới phân cành và phải 4-5 người ôm mới xuể", bà Đệ nói.

Cây thị Cộc có tuổi đời trên dưới 800 năm, đường kính hơn 1m.

Hầu hết các cây đều mang trên mình rêu phong và cây ký sinh.

Dù đã gần nghìn năm tuổi, nhưng các “cụ” thị vẫn tràn đầy nhựa sống, hàng năm cho ra những trái thị thơm nức.

Cạnh 17 cây thị cổ thụ có tuổi từ 120 đến 1.000 năm, rừng thị núi Ngọc còn có cả trăm cây thị dưới 100 năm tuổi. Quận Đồ Sơn đang chọn thời điểm để công bố, gắn biển cho quần thể cây di sản độc nhất cả nước này. "Quận Đồ Sơn đang ra sức vận động các hộ dân chung tay giữ gìn để tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch sinh thái gắn với tâm linh tại núi Ngọc", ông Bình nói.
Giang Chinh