Yellowknife, tại Các lãnh thổ Tây Bắc Canada, là thành phố nhỏ nằm ở gần vùng Bắc Cực với khoảng 20.000 dân, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ khổng lồ. Mỏ Giant Mine rìa thành phố đang chôn dưới tầng đất đóng băng vĩnh cửu khoảng 237.000 tấn arsen trioxide, hóa chất độc hại phát sinh trong quá trình khai thác vàng tại đây. Chỉ cần 140 mg arsen trioxide là đủ để một người tử vong.
Người dân bản địa mô tả đây là "con quái vật đang ngủ say". Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng tại khu vực và biến đổi khí hậu đang khiến tầng đất đóng băng vĩnh cửu dần tan chảy, dấy lên nguy cơ gây ô nhiễm Great Slave, hồ nước sạch lớn thứ 10 thế giới, nằm gần đó.

Một hồ lắng ở Giant Mine tháng 9/2022. Ảnh: CBC
Giant Mine từng là một trong những mỏ vàng lớn nhất Canada, nằm trên đỉnh đồi phía bắc Yellowknife. Trong giai đoạn 1948-2004, mỏ sản xuất 7,6 triệu ounce vàng, trị giá 20 tỷ USD theo giá hiện hành. Mỏ nhiều vàng đến mức người bản địa đặt biệt danh cho Yellowknife là "Somba K'e", nghĩa là "Vùng đất tiền bạc".
Nhưng vàng lại nằm trong quặng arsenopyrit, khoáng vật có chứa cả sắt, lưu huỳnh và arsen. Để lấy vàng, thợ mỏ phải nung quặng ở nhiệt độ cao, quy trình khiến arsen đang ở trạng thái ổn định biến thành khói độc.
Những năm đầu khai thác, thợ mỏ thải khói độc qua ống khói, cho rằng nó sẽ bị pha loãng trong không khí. Tuy nhiên, khói độc lại tích tụ và hình thành bụi mịn rơi xuống đất. Chúng gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai, khiến nhiều loại gia súc mắc bệnh rồi chết.
Năm 1951, một em bé người bản địa đã tử vong vì ăn tuyết nhiễm arsen. Sau sự việc, thợ mỏ thu gom bụi arsen và bơm chúng lại lòng đất, tin rằng chúng sẽ ngủ yên trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả suốt hàng chục năm.
Nhưng khu vực Bắc Canada đang ấm lên nhanh hơn 4 lần so với phần còn lại của thế giới. Tầng đất từng là "đóng băng vĩnh cửu" đang tan dần.
Giant Mine đang có hai máy bơm công nghiệp hoạt động để giữ mức nước ngầm ở độ sâu gần 230 m, thấp hơn so với vị trí các buồng chứa arsen.

Vị trí mỏ Giant Mine. Đồ họa: WSJ
Giant Mine ngừng khai thác năm 2004. Công nhân phá dỡ các ống khói và thiết bị, công trình nhiễm arsen. Họ gia cố các hầm và đang xây một nhà máy xử lý nước, dự kiến vận hành năm 2026.
Sau khi hoàn tất các hạng mục, họ sẽ khoan 858 ống kim loại được gọi là thermosyphon xuống lòng đất. Các ống này sử dụng carbon dioxide để rút nhiệt khỏi mỏ và bơm khí lạnh vào 16 buồng chứa đầy arsen. Kế hoạch của giới chức Canada là đóng băng bụi arsen cho đến khi tìm ra phương án tốt hơn.
"Tôi tin tưởng rất nhiều vào phương án trên", Natalie Plato, phó giám đốc dự án khắc phục hậu quả tại Giant Mine, nói. Cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quan hệ giữa Hoàng gia và Các dân tộc bản địa và Các vấn đề miền Bắc Canada (CIRNAC) đánh giá đóng băng là hiệu quả và ít tốn kém nhất để ứng phó arsen.

Mô phỏng phương án dùng thermosyphon để giữ arsen đóng băng trong lòng Giant Mine. Đồ họa: WSJ
Theo bà Plato, đưa arsen ra khỏi mỏ là bất khả thi, vì công nhân sẽ phải đối mặt rủi ro không thể chấp nhận được. Bụi còn nằm sâu trong mỏ, ở những kẽ nứt và buồng chứa với hình dạng khác nhau, nên không có phương án nào để vận chuyển.
Bà giải thích rằng bằng cách đóng băng, arsen sẽ bị giam trong lượng băng nhiều đến mức dù nước có xâm nhập các buồng chứa hay thermosyphon dừng hoạt động, các khối băng cũng phải mất nhiều năm để tan chảy. "Ngay cả trong kịch bản tiêu cực nhất về tình trạng ấm lên mà Liên Hợp Quốc đưa ra, chúng tôi vẫn còn nhiều năm để hành động", bà Plato nói.
Các cộng đồng tại khu vực cho rằng kế hoạch này chưa đủ tốt. Họ lo chính phủ chỉ đang hành động ở mức tối thiểu.

Mô hình so sánh kích thước các buồng chứa arsen ở Giant Mine với một tòa nhà ở Yellowknife. Buồng màu hồng và trắng lần lượt là đã và chưa được đóng băng. Ảnh: CBC
Arsen là một trong những nguyên tố cơ bản hình thành Trái Đất và không bị phân hủy. Người dân địa phương đùa rằng xử lý chất thải hạt nhân plutonium còn dễ hơn, vì nó giảm nửa mức phóng xạ sau 24.000 năm, còn arsen trioxide là chất độc vĩnh cửu.
"Chính phủ nói muốn tìm giải pháp khác, nhưng những gì họ làm cho thấy họ chỉ muốn đóng băng và quên lãng chúng", David Livingstone, cựu chủ tịch Hội đồng Giám sát Giant Mine, cơ quan độc lập giám sát quá trình làm sạch mỏ, nói. "Chúng tôi không thể chấp nhận việc đó".
Ông Livingstone lo chính phủ Canada mới chỉ tính toán đến năm 2038, khi nguồn tài trợ cho dự án kết thúc, và chưa rõ giới chức định giám sát tình hình sau đó thế nào.
Ước tính hiện tại cho thấy quá trình xử lý Giant Mine cần 3,2 tỷ USD, là dự án kiểm soát ô nhiễm mỏ tốn kém nhất lịch sử Canada. Dự án sẽ còn tốn kém hơn nữa, vì Canada phải theo dõi và duy trì Giant Mine không phải chỉ trong 10 hay 20 năm, mà lên đến 100 năm.
Bà Plato nói Ottawa dự kiến công bố kế hoạch dài hạn về mỏ Giant Mine vào năm 2027. Giám đốc CIRNAC Chris MacInnis nói bộ này sẽ tìm kiếm thêm nguồn tài trợ vào năm 2038, vì khi đó họ sẽ biết rõ hơn cần phải làm gì.
Giant Mine đang là lời cảnh báo với các chính quyền và doanh nghiệp muốn khai thác khu vực giàu tài nguyên ở phía bắc, các nhà hoạt động vì môi trường nói.
Những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mua đảo Greenland và sáp nhập Canada làm dấy lên sự chú ý đến những khoáng sản đang ẩn sâu dưới tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Hoạt động khai thác sẽ tạo ra những rủi ro và chi phí tốn kém.
Những trưởng lão người bản địa ở Yellowknife giờ đây gọi Giant Mine là Nahga, nghĩa là con quái vật, đã tàn phá thiên nhiên và động vật hoang dã tại khu vực.
Khi đám mây bụi phủ xuống, họ kêu gọi người dân đóng cửa và ở trong nhà.
"Chúng tôi nói rằng quái vật đang đến đấy", trưởng lão Fred Sangris nói. Ông phẫn nộ vì đã mất đi những khu vực vốn là nơi săn bắn truyền thống của người bản địa. "Giờ đây đó chỉ còn là một nơi độc hại, một nơi cần phải tránh".
Như Tâm (Theo CBC, WSJ)