5 vấn đề chính đã được Phú Mỹ Hưng nêu ra trong văn bản.
Thứ nhất, về cách tính diện tích thì căn hộ chung cư được tính gồm diện tích nội thất, diện tích sử dụng chung (hành lang, cầu thang), chỗ đậu xe là nhằm đảm bảo rằng, toàn bộ phần diện tích xây dựng trong tòa nhà đều có chủ, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Dù tính hay không tính phần diện tích chung (công cộng, đậu xe) vào mỗi căn hộ, giá bán cũng không thay đổi. Với cách tính này, theo Công ty Phú Mỹ Hưng, khách hàng được đảm bảo quyền “sở hữu chung” theo quy định của pháp luật dân sự. “Trong trường hợp chung cư bị giải tỏa, tiêu hủy thì từng chủ căn hộ được hưởng thụ phần giá trị đền bù tương ứng với phần họ sở hữu trong chung cư, bao gồm diện tích sở hữu chung và diện tích sở hữu riêng".
Phú Mỹ Hưng cũng cho rằng, cách tính trên đã được thể hiện rõ trong nội dung hợp đồng mua bán và được khách hàng chấp thuận khi ký vào hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của công ty đã cho biết, họ không hề được giải thích rõ cách tính này trước khi đặt cọc mua nhà, mà chỉ biết cụ thể tổng diện tích căn hộ.
Thứ hai, việc công ty giữ quyền sở hữu các công trình tiện ích bên ngoài căn hộ (gồm hệ thống đường sá, cấp điện, nước, thoát nước, viễn thông…) là để thuận lợi cho công tác bảo trì và sửa chữa.
Nếu dựa trên lập luận của công ty trong phần thứ nhất thì việc giữ quyền (quyền bán, cho thuê, cho mượn, thế chấp chuyển giao, chuyển nhượng...) các công trình tiện tích bên ngoài căn hộ có một điểm bất hợp lý. Đó là các công trình tiện ích mà công ty cho là "giữ quyền sở hữu" lại nằm trên đất thuộc sở hữu của các hộ dân mua chung cư.
Thứ ba, việc ràng buộc khách hàng phải mua bảo hiểm, công ty chỉ áp dụng đối với trường hợp khách hàng chưa trả đủ tiền hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Trong các trường hợp đó, Phú Mỹ Hưng vẫn là chủ sở hữu trên giấy tờ đối với căn hộ và vì vậy người thừa hưởng đương nhiên phải là công ty.
Lập luận này của công ty cũng làm cho dư luận không đồng tình vì như thế, nhiều khách hàng đã phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho một sản phẩm chưa phải do mình sở hữu.
Thứ tư, trước phản ánh của khách hàng về sự khác biệt giữa nhà mẫu và nhà thực tế như: cửa ra vào, lan can cầu thang và sàn gác lửng, thì Phú Mỹ Hưng giải thích là do sự hiểu lầm trong dịch thuật và thuật ngữ chuyên môn vật liệu trang trí hoặc do sự thay đổi trong việc sử dụng vật liệu theo hướng có lợi cho khách hàng. Phần tay vịn cầu thang theo thiết kế sẽ được làm bằng gỗ, tuy nhiên có một số khách hàng có nhu cầu tự lắp đặt và sử dụng bằng vật liệu có giá trị, chất lượng khác nhau nên Phú Mỹ Hưng đã không lắp đặt. Trong trường hợp đó, công ty hoàn trả phần giá trị này lại cho một số khách hàng.
Tuy nhiên, đã có nhiều khách hàng cho biết, họ đã phản ánh lên công ty rất nhiều lần những thay đổi trên, nhưng không gặp được người có thẩm quyền. Hơn thế, phần tay vịn cầu thang, Phú Mỹ Hưng cho rằng, đó là một thiết bị nội thất mang tính trang trí. Giải thích này thiếu thuyết phục vì đây là một thiết bị không thể thiếu khi căn nhà có cầu thang, gác lửng nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Thứ năm, về việc thu phí sử dụng đất, theo công ty, phí sử dụng đất mà khách hàng phải trả được thông báo rõ cho từng khách hàng và theo quy định tại Công văn 89 (ngày 6/1/2000 của UBND TP HCM), bao gồm 26.000 đồng/m2 tiền sử dụng đất và 130.000 đồng/m2 phải nộp ngân sách thành phố. Khách hàng được cung cấp biên nhận đối với cả hai khoản tiền này.
Trên thực tế, nội dung quy định tại công văn trên không phải như vậy. Mục 2.2, Điều 2 của Công văn 89 đã nêu rõ: "Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở cho người Việt Nam, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng có nghĩa vụ nộp ngân sách thành phố để thu hồi quyết toán chi phí đền bù, đầu tư phục vụ công tác giải tỏa, tái định cư là 130.000 đồng/m2". Như vậy, khoản tiền 130.000 đồng là nghĩa vụ mà công ty phải nộp ngân sách chứ không phải là nghĩa vụ mà khách hàng phải nộp như giải thích của Phú Mỹ Hưng.
(Theo Thanh Niên)