Chị Nguyễn Thị Hồng, 38 tuổi, ở quận Hà Đông, có con gái năm nay vào lớp một. Trường mầm non đóng cửa suốt hai năm qua vì dịch bệnh cũng là chừng ấy thời gian bé Minh Anh, con gái chị, phải ở nhà.
Chị cho biết, nhẽ ra thời điểm này các con đã được hướng dẫn nhận biết mặt chữ và số. Bố mẹ bận rộn, lại không có chuyên môn nên không thể kèm cặp, việc học của con bập bõm. Chị Hồng lo khi vào lớp một, con gái sẽ không theo nổi.
"Con ít tiếp xúc với bạn bè, cô giáo; lại chưa được chuẩn bị gì để vào lớp một nên tôi sốt ruột, muốn tìm lớp cho con", chị Hồng nói.
Người mẹ muốn Minh Anh thi vào một trường tư ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, vào tháng 5. Nếu con không đỗ, chị vẫn còn phương án học trường công gần nhà. Thế nhưng, chị cho rằng, dù vào trường nào, con cũng cần học trước để không bỡ ngỡ.
Sợ dịch bệnh, chị Hồng gom nhóm với các mẹ cùng chung cư cũng có con sinh năm 2016, sau đó thuê giáo viên trong tòa nhà dạy chữ. Nhóm lúc đầu có sáu học sinh, mỗi tuần học hai buổi tối tại nhà cô, chi phí 800.000 đồng một buổi. Các con được làm quen với cách học ở lớp một, học chữ cái, ghép vần và làm toán. Nhưng vừa học được một buổi, "lớp cấp tốc" đành phải nghỉ vì có học sinh F0.
"Hai tuần nay, lớp khởi động lại, vừa học vừa nơm nớp lo các con mắc Covid. Nhưng để con ở nhà tôi càng không yên tâm", chị Hồng nói, cho biết ngoài học chữ, con gái đang học thêm lớp tiếng Anh.
Có con sắp vào lớp một, chị Nguyễn Mai Khanh ở quận Nam Từ Liêm cũng nôn nóng khi thấy nhiều phụ huynh bàn tán về lớp tiền tiểu học trên các diễn đàn.
Con trai vừa hồi phục sau khi mắc Covid-19, sức khỏe còn yếu nên chị Khanh không muốn con đến học trực tiếp. Sau khi nghiên cứu, chị đăng ký lớp học online của một cô giáo gần nhà. Lớp do giáo viên tự gom, khoảng 10 trẻ học qua Zoom mỗi tuần 4-5 buổi, mỗi buổi một tiếng, học phí hơn một triệu đồng.
Học online nên cô chỉ dạy nhận biết mặt chữ, số và đánh vần, không thể rèn viết. Học sinh còn nhỏ, chưa quen ngồi máy tính nên cô giáo mất rất nhiều thời gian nhắc nhở các em tập trung.
"Con học được mấy tuần nhưng ngày nào cũng bị cô nhắc vì không chú ý bài giảng, nghịch đồ chơi hay tự ý bỏ ra ngoài. Mỗi lần con học, vợ chồng tôi phải phân công nhau ngồi cạnh", chị Khanh cho hay.
Trong các hội nhóm phụ huynh có con sinh năm 2016, chủ đề lớp tiền tiểu học nhận được sự quan tâm lớn. Ở mỗi bài đăng gom nhóm lớp, có rất nhiều lượt bình luận hỏi thông tin và đăng ký từ phụ huynh.
Cô Nguyễn Phương Trang, giáo viên ở quận Cầu Giấy cho biết, phong trào ôn tiền tiểu học đã rất phổ biến nhiều năm qua. Năm nay, nhu cầu của phụ huynh lớn hơn nhiều do lứa trẻ 5 tuổi ở Hà Nội cả năm qua không được học mẫu giáo.
Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, gần 3 triệu trong hơn 17 triệu học sinh từ mầm non đến THPT phải dừng đến trường do Covid-19, trong đó có hơn 1,4 triệu là trẻ mầm non. Ở Hà Nội, học sinh từ mầm non đến lớp 6 chưa tới trường kể từ tháng 5/2021. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dự kiến năm học 2022-2023, thành phố có khoảng 140.000 trẻ vào lớp 1.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, cựu giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, ở cuối bậc học mầm non, các con cần được trang bị một số kỹ năng sống cơ bản, rèn luyện tính tự chủ và bước đầu làm quen với mô hình lớp 1. Nhưng trẻ hiện nay phần lớn được bố mẹ chiều chuộng, lại không được đến lớp mẫu giáo nên có thể thiếu hụt những kỹ năng này. Tâm lý sốt sắng khiến nhiều gia đình thậm chí chấp nhận cho trẻ theo các lớp tiền tiểu học trực tuyến, dù biết hình thức này kém hiệu quả.
Các lớp "hành trang vào lớp một" năm nay của cô Trang lần đầu tiên diễn ra với hai hình thức online và offline.
Học sinh được dạy cách cầm bút đúng chuẩn; nắm vững bảng chữ cái, cách ghép vần, đọc đánh vần, đọc trơn; làm quen với các con số và phép cộng trừ cơ bản. Ngoài ra, cô còn rèn các kỹ năng như tư thế ngồi học, tác phong, khả năng tập trung, cách làm việc nhóm, cách giao tiếp và tinh thần tự giác học tập...
"Thông thường, giáo viên dạy tiền tiểu học sẽ mở lớp vào tháng ba, tuy nhiên do dịch bệnh, phụ huynh quan tâm nên có xu hướng cho con đi học sớm hơn. Từ nhiều tháng trước, tôi đã nhận được tin nhắn hỏi về lớp học", cô Trang kể.
Cô Trang hiện có sáu lớp, học phí 80.000 đồng một em mỗi buổi. Các lớp trực tiếp có sĩ số hơn chục học sinh. Nhu cầu học đông khiến cô phải thuê thêm hai giáo viên khác cùng dạy và một cô chuyên nấu ăn cho những học sinh bán trú vì bố mẹ bận đi làm. Cô cho hay, học sinh lớp trực tiếp được yêu cầu sát khuẩn thường xuyên và đeo khẩu trang trong lúc học, song thừa nhận khó đảm bảo giãn cách.
Thời điểm này các năm trước, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, cũng bận rộn với các lớp tiền tiểu học. Năm nay, do dịch bệnh, bản thân lại vừa mắc Covid-19 nên cô chuyển sang tư vấn, hướng dẫn cho các bố mẹ trong nhóm riêng.
Hàng ngày cô gửi video, tài liệu bài học miễn phí, giúp bố mẹ có thể tự kèm con ở nhà. Nhóm lập được một tuần nhưng đã hơn 800 phụ huynh có con sinh năm 2016, 2017 tham gia.
Hiểu tâm lý lo lắng của các cha mẹ, cô Ngọc Anh gợi ý, nếu không thể tìm được lớp học, bố mẹ có thể tự hướng dẫn con. Với môn Toán, chỉ cần giúp các bé nhận biết số đếm một đến 10. Phụ huynh có thể mua những bảng số in màu bắt mắt, treo ở vị trí dễ thấy để con hàng ngày qua lại và ghi nhớ. Ở môn tiếng Việt, cha mẹ giúp con nhận diện, khuyến khích thuộc bảng chữ cái. Nếu thuộc mặt chữ cái, con dễ dàng thực hiện tốt kỹ năng đánh vần khi vào lớp một.
"Phụ huynh hãy cho con làm quen, gọi tên được các nét cơ bản, tô nét cơ bản theo chấm. Hướng dẫn con có tư thế ngồi học đúng, cầm bút đúng để tay không bị mỏi khi viết", cô Ngọc Anh chia sẻ.
Đồng cảm với tâm trạng của phụ huynh, nhưng tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định, không nhất thiết phải cho con học tiền tiểu học, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Chuyên gia phân tích, nếu cho trẻ học trước, khi đến lớp con chỉ ngồi chơi. Trẻ có đặc điểm thích cái mới nên những gì đã học, chúng sẽ có xu hướng bỏ qua. Quá trình này kéo dài sẽ làm trẻ đánh mất khả năng tập trung, giảm hứng thú học tập.