Hướng nghiệp cho thế hệ trẻ luôn là câu chuyện dài hơi, cần được quan tâm và triển khai từ sớm. Việc thiếu chủ động, lại không được định hướng cụ thể, khoa học khiến nhiều học sinh vào đại học chỉ vì áp lực "phải đi học" có thể dẫn đến những hệ lụy như chọn sai trường, chọn sai ngành, tốt nghiệp nhưng không làm việc đúng chuyên ngành đã học...
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX, nguyên Phó chủ tịch ĐH FPT cho rằng phụ huynh đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình trên hành trình học tập và theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh gặp khó trong việc định hướng cho con cái. Một phần vì bố mẹ không nắm bắt đầy đủ thông tin về ngành nghề, xu hướng tuyển dụng, bên cạnh đó không hiểu rõ con, không biết con thích gì, cần gì.
"Hướng nghiệp là quá trình con chủ động đi tìm kiếm ngành nghề phù hợp với sự đồng hành của bố mẹ. Phụ huynh cần xác định do đây là một việc khó, mất nhiều thời gian, công sức nên cần được đặt là ưu tiên", ông chia sẻ trong chương trình podcast Người trong muôn nghề mang tên "Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp", trên nền tảng mạng xã hội Spiderum.

Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam (trái) và cựu học viên FUNiX Nguyễn Đình Anh tại buổi podcast "Người trong muôn nghề". Ảnh: FUNiX
Cựu Tổng giám đốc FPT cho rằng nếu bố mẹ yêu thích, đánh giá nghề nghiệp của bản thân nhiều tiềm năng thì nên hướng cho con đi theo, bồi dưỡng hứng thú thông qua việc đưa con đến văn phòng, khi làm việc cho con ở bên cạnh... Từ đó, phụ huynh giúp các con có thêm yêu thích, đồng thời học được thái độ nghiêm túc, đam mê với nghề nghiệp từ bố mẹ.
Với các bạn trẻ không xác định được năng lực, sở thích của mình, phụ huynh có thể hướng dẫn con tham khảo danh sách ngành nghề, tìm hiểu thông tin từ Internet; gặp gỡ với bạn bè của gia đình làm trong những ngành mình quan tâm để được tư vấn, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế; dần thu hẹp lựa chọn ngành nghề. Nếu không đồng ý với lựa chọn nghề nghiệp mà con chọn, bố mẹ cũng không nên áp đặt mà nên tìm hiểu nguồn thông tin của con, xác định mức độ tin cậy, nghiên cứu kỹ hơn về nghề, sau đó cùng trao đổi với con để tìm ra tiếng nói chung.
"Mục đích của hướng nghiệp không phải tìm ra một lựa chọn đúng ngay, vì sai thì có thể sửa và không ai có thể đảm bảo nghề chọn đầu tiên là đúng. Điều quan trọng là trong hành trình này, các bạn trẻ phải nắm vai trò chủ động, với sự đồng hành của gia đình", ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Nhà sáng lập FUNiX cũng cho rằng phụ huynh nên khuyến khích con dành thời gian lên mạng tự học kỹ năng mới, tìm tòi về những lĩnh vực mình thấy hứng thú... Đặc biệt, các bạn nên sớm trang bị nền tảng kiến thức CNTT bởi nó có thể hỗ trợ cho tất cả ngành nghề khác, đồng thời cũng là công cụ tốt nhất để thử năng lực tự học của bản thân.
Đồng tình với quan điểm của ông Nam, Nguyễn Đình Anh (sinh năm 2003), cựu học viên và hiện là lập trình viên full-stack tại một công ty thương mại điện tử, chia sẻ về câu chuyện hướng nghiệp của bản thân tại buổi podcast. Có bố làm trong ngành IT, Đình Anh được khuyến khích tìm hiểu về CNTT và bồi dưỡng đam mê với lập trình từ bé.
Ngay từ khi học lớp 10, anh đăng ký Chương trình Kỹ thuật Phần mềm tại FUNiX. Sau khi hoàn thành chương trình, anh được ĐH FPT công nhận để chuyển đổi tín chỉ FUNiX tương đương 50% chương trình đại học chính quy. Ở tuổi 20, Đình Anh nắm trong tay tấm bằng cử nhân CNTT đồng thời tích lũy ba năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Nam kỹ sư trẻ tuổi cho rằng ai cũng có thể thành công nếu chủ động tìm kiếm và tự tin đi theo con đường đã chọn. Với các bạn trẻ có đam mê và định hướng nghề sớm, anh khuyên các bạn phải chứng minh được cho bố mẹ thấy mình có thể sống được với nghề đã chọn. Nếu không thể, các bạn chỉ nên coi đó là sở thích và hãy đón nhận sự hỗ trợ hướng nghiệp của phụ huynh, thử sức với một ngành khác với tiềm năng thu nhập tốt hơn.
Để giúp phụ huynh và các gia đình trang bị thêm phương pháp, nắm được thời điểm cần thiết để hướng nghiệp cho con, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho rằng cần phải kết nối sâu hơn nữa giữa nhà trường - phụ huynh - đơn vị đào tạo - tuyển dụng cùng các chuyên gia cho lứa tuổi học đường để đồng hành cùng phụ huynh trong hành trình định hướng cho con.
Theo ông, vai trò của nhà trường trong việc rèn luyện tinh thần chủ động cho thế hệ trẻ hiện còn nhiều thiếu hụt khi chưa có nhiều công cụ đánh giá học sinh ngoài bảng điểm học tập. Khi các bạn bước vào cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải là "học giỏi" mà là bản lĩnh dám ra quyết định, dám chấp nhận sai. Trong thời đại Internet, điều này đồng nghĩa với tinh thần dám thử thách, không hoang mang khi đối mặt với những thay đổi công nghệ.

Chương trình Tư vấn hướng nghiệp số đầu tiên do FUNiX cùng trường THPT Marie Curie đồng tổ chức.
Góp phần đưa ra lời giải này, FUNiX đang triển khai chuỗi sự kiện "Hướng nghiệp cho học sinh, ‘hiểu' để đồng hành, ‘biết; để chắp cánh", phối hợp cùng các trường THPT trên địa bàn cả nước. Thông qua các buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, tâm lý, các đại diện doanh nghiệp, chuỗi sự kiện nhằm góp phần định hướng vai trò của phụ huynh trong việc hướng nghiệp và đồng hành giúp con chinh phục những mục tiêu nghề nghiệp và học tập một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, FUNiX cũng kết hợp cùng các chuyên gia xây dựng FUNiX Wings- chương trình học tập linh hoạt thiết kế phù hợp với độ tuổi và khung giờ học tập của học sinh phổ thông trung học. Học viên sau khi hoàn thành chương trình học sẽ được trang bị kiến thức công nghệ, đủ khả năng làm việc ở các vị trí liên quan đến lập trình viên, thành thạo một ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn, Đức). Bên cạnh kiến thức, học sinh được rèn luyện bộ kỹ năng toàn diện như kỹ năng tự học, tự giải quyết vấn đề, tư duy logic và sáng tạo... Đây đều các kiến thức, kỹ năng giúp người trẻ tự tin tự lập và tự chọn hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp phổ thông, sẵn sàng bước vào thế giới công nghệ đầy thách thức nhưng cũng tràn ngập cơ hội
Vân Nguyễn - Ngọc Nguyễn