Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc hôm 17/9 phát tập đầu tiên trong loạt phim ngắn có tựa đề "Anh hùng trong hiểm nguy", khắc họa cuộc chiến chống Covid-19 ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Loạt phim này được truyền thông nhà nước ca ngợi là "những câu chuyện cảm động xảy ra ở tiền tuyến chống dịch" cũng như "lòng dũng cảm đấu tranh và chiến thắng" của người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cảnh quay trong tập phim dài 7 phút đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc và vấp phải chỉ trích nặng nề của dư luận. Cảnh quay này khắc họa những gì đã diễn ra ở công ty xe buýt Vũ Hán trong những thời khắc đầu tiên khi lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 được áp đặt với thành phố hôm 23/1.
Trong tập phim, công ty xe buýt Vũ Hán triệu tập cuộc họp khẩn với hàng chục tài xế ngay trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Một lãnh đạo công ty giải thích chính quyền yêu cầu các tài xế tình nguyện tham gia đội vận chuyển khẩn cấp. Nhiều nam tài xế lập tức đứng vào hàng, dẫn đầu là một đảng viên.
Sau khi xem xét danh sách, lãnh đạo công ty thông báo toàn bộ tình nguyện viên đều là đàn ông. "Có phụ nữ nào đăng ký không"? ông ta hỏi và chỉ vào một phụ nữ ngồi ở hàng ghế sau, yêu cầu cô tham gia. Nhưng cô tỏ ra chần chừ, cho biết người thân đã đi một quãng đường dài để tới thăm mình nhân dịp Tết sắp tới. "Tôi thực sự không thể tham gia", cô trả lời.

Lễ ra mắt loạt phim "Anh hùng trong hiểm nguy" tại Bắc Kinh hôm 14/9. Ảnh: China Daily
Trích đoạn dài một phút này lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Người dùng đã gọi cảnh quay này là ví dụ điển hình về tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Trung Quốc, đồng thời là hành động xóa bỏ mọi cống hiến của phụ nữ trong cuộc chiến chống Covid-19. Thực tế, phụ nữ chiếm phần lớn trong số những người ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng y tế ở Trung Quốc, đặc biệt là ở tâm dịch Vũ Hán.
Đến ngày 20/9, hashtag về phân đoạn này đã thu hút hơn 140 triệu lượt xem. Hàng chục nghìn người kêu gọi ngừng phát sóng loạt phim. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 91.000 người ủng hộ ngừng phát sóng chương trình, 6.800 người phản đối.
Nhiều người bày tỏ tức giận vì sự coi thường phụ nữ, phủ nhận vai trò của họ trong cuộc chiến chống nCoV. Họ cũng dẫn lại những thông tin được đăng trên truyền thông nhà nước để chứng minh đóng góp của phụ nữ trong cuộc chiến.
Phụ nữ chiếm 2/3 trong số hơn 40.000 nhân viên y tế đã tới Vũ Hán và các vùng lân cận ở tỉnh Hồ Bắc để chống dịch, theo bài viết hồi tháng 3 trên People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc. Hãng thông tấn Xinhua cũng từng đưa tin hơn một nửa số bác sĩ từ Thượng Hải được cử đến Vũ Hán là phụ nữ, cũng như hơn 90% y tá là nữ.
"Trong các bộ phim truyền hình trước đây, phụ nữ thường bị coi thường. Tôi đã ngỡ rằng tình hình năm nay sẽ thay đổi, sau khi trải qua dịch bệnh, vì có rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào cuộc chiến chống virus", Zoe Shen, một nhà hoạt động vì nữ quyền kiêm blogger ở Bắc Kinh, nói. "Tôi không ngờ người ta lại dựng lên một cốt truyện như thế".
Đây không phải lần đầu dư luận phẫn nộ trước việc phụ nữ bị đối xử bất công trong cuộc chiến chống Covid-19. Hồi tháng 2, một báo nhà nước chia sẻ video y bác sĩ nữ cạo trọc đầu trước khi tới Vũ Hán để mặc đồ bảo hộ vừa hơn và gọi họ là "những chiến binh xinh đẹp nhất". Nhiều người xem video cho hay các nữ y bác sĩ đã khóc khi phải cạo trọc đầu và cáo buộc chính quyền sử dụng thân thể của họ vì mục đích tuyên truyền. Video cuối cùng bị xóa.
"Trong đời thực, họ đưa phụ nữ ra tiền tuyến chống Covid-19", một người dùng bình luận trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. "Còn trong phim, họ chôn vùi phụ nữ". Bình luận này nhận được hơn 30.000 lượt thích.
"Giờ thì tôi đã hiểu phụ nữ biến mất khỏi lịch sử như thế nào", một người dùng Weibo khác viết. "Mọi người đều muốn những câu chuyện chính xác" là bình luận nhận được hơn 110.000 lượt thích trên Weibo.
Trong khi nhiều bài đăng chỉ trích chương trình vẫn chưa bị xóa hôm 19/9, sự phẫn nộ của dư luận đã thu hút chú ý của các nhà kiểm duyệt. Thẻ hashtag yêu cầu ngừng phát sóng loạt phim đã bị chặn, một số trích đoạn phim bị xóa. Bảng xếp hạng phim cũng bị vô hiệu hóa trên Douban, trang đánh giá phim nổi tiếng ở Trung Quốc.

Một cảnh trong bộ phim "Anh hùng trong hiểm nguy". Ảnh: CCTV
Sự phẫn nộ ban đầu với cảnh quay ở công ty xe buýt cũng mở ra nhiều chỉ trích khác với loạt phim. Du Keye, một bác sĩ ở Vũ Hán, cho hay phim đưa vào nhiều yếu tố y khoa không đúng, thường mô tả y tá không có dụng cụ y tế phù hợp hay thực hiện động tác ép ngực không chính xác. Ông cho rằng phim vốn dĩ là hư cấu, nhưng cần đảm bảo độ chính xác vì nó ghi lại một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
"Làm một bộ phim kiểu này trước khi mọi người chưa hoàn toàn quên những gì đã xảy ra thực sự là sự xúc phạm với trí tuệ người xem", Shen, nhà bảo vệ nữ quyền, ám chỉ bộ phim bị chỉ trích vì không phản ánh đúng đại dịch cũng như những phản ứng trong dịch đã khắc sâu vào tâm trí người dân Trung Quốc.
Hồng Hạnh (Theo New York Times)