
Seedo và Yunis đi bộ dọc theo con đường dẫn vào trại tị nạn Rwanga để thăm một trong các nạn nhân của IS. Ảnh: Andrea DiCenzo/Al Jazeera.
Nasreen Seedo, một phụ nữ Yazidi 28 tuổi, cùng gia đình chạy trốn khỏi thị trấn Sinjar, phía bắc Iraq, hồi tháng 8/2014, khi các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) đến gần. Gia đình cô thức cả đêm để chuyện trò cùng hàng xóm và theo dõi thông tin bước tiến của IS vào Sinjar.
Rạng sáng, phiến quân khủng bố đã gần tới nơi. Mẹ Seedo chuẩn bị bữa sáng truyền thống của người Kurd gồm trứng, sữa chua, trà và pho mát.
"Chúng tôi chẳng có thời gian để ăn. Hàng xóm chạy sang nhà báo tin IS đã đến", Seedo nhớ lại.
Gia đình Seedo chạy trốn tới thị trấn Khanke, gần thành phố Dohuk, phía bắc Iraq. Đây này là nơi cư trú của cộng đồng người Yazidi từ thế kỷ thứ 9. Em gái của Seedo thậm chí còn chẳng kịp thay váy mà vẫn mặc nguyên bộ ngủ khi cả gia đình rời đi.
Cha Seedo là bác sĩ ở thị trấn Sinjar. Ông sắp xếp cho gia đình ở trong ngôi nhà chưa hoàn thiện gần trại tị nạn của Liên Hợp Quốc ở Khanke, nơi có hơn 18.000 người Yazidi sống.
"Chỉ cần chúng tôi rời đi chậm một phút thôi cũng sẽ là quá muộn", Seedo nói. "Hàng xóm của chúng tôi bị IS bắt và giết. Chỉ duy nhất một phụ nữ của gia đình này trốn thoát".

Seedo (áo trắng) và Yunis đang lắng nghe một nạn nhân của IS chia sẻ câu chuyện. Ảnh: Al Jazeera.
Seedo hiện làm cho Wadi, tổ chức phi chính phủ ra đời năm 1992, có trụ sở ở cả Đức và vùng tự trị của người Kurd tại Iraq. Công việc của cô là cùng đồng nghiệp trong đội di động tới khu vực người Kurd ở Iraq để giúp các cô gái Yazidi, nạn nhân của IS, hòa nhập cuộc sống.
Mỗi đội di động gồm ba thành viên: một nam giới lái xe, một phụ nữ Yazidi và một nữ người Kurd. Suốt 10 tháng qua, Seedo và Roujda Yunis, 24 tuổi, cùng nhau tới trại tị nạn hay nhà riêng để gặp các nạn nhân trốn thoát từ sào huyệt IS. Do các đội đều có người Yazidi nên họ không khó để lấy lòng tin của cộng đồng người thiểu số này.
Ngày đầu là thành viên của Wadi, Seedo và Yunis tới thăm một nạn nhân người Yazidi 13 tuổi. Cô bé bị cưỡng hiếp suốt thời gian rơi vào tay IS. Seedo cho hay nhiều cô gái không muốn kể lại trải nghiệm kinh hoàng với gia đình nhưng lại cởi mở với thành viên của Wadi.
Yara (tên giả) mới 14 tuổi khi bị phiến quân Hồi giáo bắt ở Sinjar và bán cho một "hoàng tử" IS ở thành phố Raqqa, Syria. Vào một buổi chiều nọ, cô trốn thoát sau 5 tháng rơi vào tay IS và đoàn tụ cùng gia đình ở Dohuk.
"Có nhiều cô gái từng trải qua những gì tôi phải chịu đựng. Tôi nghĩ quan trọng là có ai đó giúp đỡ. Bây giờ tôi không nghĩ tới những gì đã xảy ra với mình nữa", Al Jazeera dẫn lời Yara chia sẻ.

Mỗi đội di động gồm ba thành viên: một nam giới lái xe, một phụ nữ Yazidi và một nữ người Kurd. Ảnh: Andrea DiCenzo/Al Jazeera.
Sự giúp đỡ của Wadi phụ thuộc vào nhu cầu của các cô gái. Thông thường họ thiếu quần áo, vật dụng nhà bếp và vệ sinh. Tuy nhiên, Seedo cho hay những nạn nhân bị IS lạm dụng tình dục hoặc làm cho có thai thường muốn vá màng trinh và phá thai.
"Hầu như tất cả các cô gái đều bị cưỡng hiếp. Một số mang bầu lúc trốn thoát và họ muốn tống khứ đứa trẻ trong bụng đi", Seedo nói.
Các đội di động của Wadi dành ít nhất bốn ngày mỗi tuần để tới thăm các trường hợp, cả cũ lẫn mới. Tất cả phụ nữ ở đội di động giống như Seedo và Yunis đều còn trẻ. Họ đang hỗ trợ các cô gái Yazidi từng trải qua chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
Trước khi gia đình chạy trốn khỏi Sinjar, Seedo có một công việc bình lặng.
"Với công việc cũ trước đây, tôi chẳng phải suy nghĩ gì. Tôi ngủ ngon, thức dậy sảng khoái. Nhưng giờ, lúc nào tôi cũng nghĩ tới các nạn nhân của IS và làm sao để chúng tôi có thể giúp được họ. Tôi bước vào giấc ngủ và thức dậy không còn thoải mái như trước", Seedo chia sẻ.
Bình Minh (theo Al Jazeera)