
Hình ảnh của sao chổi 3I/ATLAS do 3I/ATLAS ghi lại hôm 2/7. Ảnh: Gianluca Masi
Theo CNN, vật thể liên sao có tên 3I/ATLAS, được biết đến khi kính viễn vọng ATLAS (Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System) do NASA tài trợ tại Chile báo cáo phát hiện nó hôm 1/7. Từ sau đó, các nhà thiên văn học xem xét quan sát từ nhiều kính viễn vọng khác nhau theo dõi chuyển động của vật thể từ ngày 14/6 và phát hiện sao chổi này đến từ hướng chòm sao Nhân Mã.
Tốc độ và quỹ đạo của sao chổi 3I/ATLAS qua hệ Mặt Trời là hai dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nó có nguồn gốc từ ngoài hệ, theo Gianluca Masi, nhà thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đài quan sát thiên văn Bellatrix ở Italy, người sáng lập kiêm giám đốc khoa học của Dự án Kính viễn vọng Ảo. Teddy Kareta, trợ lý giáo sư tại Đại học Villanova gần Philadelphia cho biết sao chổi đang di chuyển với tốc độ gần 60 km/giây hay 214.364 km/giờ, quá nhanh để là một vật thể trong hệ Mặt Trời.
Theo Tiến sĩ Paul Chodas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất của NASA tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, theo dõi quỹ đạo của vật thể cũng tiết lộ đường bay của nó đến hệ Mặt Trời. "Khi chúng tôi ngoại suy chuyển động của sao chổi ngược thời gian, chúng tôi nhận thấy nó rõ ràng có nguồn gốc từ ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta. Có thể nó phải có nguồn gốc từ một hệ sao khác, có thể đã bay qua không gian liên sao trong hàng triệu năm trước khi tình cờ tới hệ Mặt Trời", Chodas chia sẻ.
Từ phát hiện ban đầu về sao chổi cách Trái Đất 675 triệu km, các nhà thiên văn học nhanh chóng quan sát vật thể bằng nhiều kính viễn vọng trên khắp thế giới. Sao chổi 3I/ATLAS theo sau hai vật thể liên sao thú vị khác (ISO) từng đi qua hệ Mặt Trời là 'Oumuamua (năm 2017) và 2I/Borisov (năm 2019). Chuyển động tăng tốc của sao chổi 'Oumuamua hình điếu xì gà thậm chí còn dấy lên suy đoán nó có thể là tàu thăm dò của người ngoài hành tinh.
Hiện nay, thông tin sao chổi 3I/ATLAS rất ít. Các nhà thiên văn học ước tính đường kính của nó là 20 km, nhưng không chắc chắn về độ sáng của vật thể. Tuy nhiên, sao chổi 3I/ATLAS dường như là sáng và nhanh nhất trong 3 vật thể liên sao từng được phát hiện cho đến nay. 3I/ATLAS đến gần hệ Mặt Trời từ trung tâm dải Ngân Hà, khác với các vật thể trước đó. Nó có dấu hiệu hoạt động của sao chổi, bao gồm mất dần khối lượng. Sao chổi hình thành từ băng, khí đóng băng và đá, khi đến gần ngôi sao như Mặt Trời, nhiệt độ làm chúng giải phóng khí và bụi, tạo ra vệt đuôi đặc trưng của chúng. Nhưng hiện nay, giới nghiên cứu chưa rõ 3I/ATLAS giải phóng loại vật liệu nào hoặc quá trình gây ra điều đó.
Các nhà thiên văn học cho biết 3I/ATLAS không đe dọa Trái Đất và sẽ duy trì khoảng cách ít nhất 240 triệu km với hành tinh. Nó đang cách Mặt Trời khoảng 670 triệu km và sẽ đến gần ngôi sao nhất vào ngày 30/10 ở khoảng cách 210 triệu km, theo NASA.
Giới nghiên cứu dự đoán sao chổi này vẫn sẽ quan sát được bằng kính viễn vọng từ mặt đất đến tháng 9 trước khi biến mất khỏi tầm nhìn. Nó sẽ xuất hiện trở lại ở phía bên kia của Mặt Trời vào đầu tháng 12, cho phép thực hiện các quan sát tiếp theo đến giữa năm 2026.
An Khang (Theo CNN, Guardian)