Ngày 15/7, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết kết quả sinh thiết xác định ung thư phổi tế bào nhỏ. Thể trạng bệnh nhân kém, tiền sử đái tháo đường nên không thể tiến hành hóa xạ trị đồng thời. Người bệnh phải điều trị hóa chất trước để giảm bớt triệu chứng, sau đấy sẽ cân nhắc xạ trị.
Theo bác sĩ Phương, phác đồ hóa trị gồm ba chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 21 ngày nhằm giảm đau ngực, ho khan cho người bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ xuất hiện một số tác dụng phụ như nôn, mệt mỏi, chán ăn.
Sau ba chu kỳ, bệnh nhân tiếp tục xạ trị để xử lý khối u.
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong rất cao ở nam giới, thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Theo GLOBOCAN 2020, mỗi năm thế giới phát hiện hơn 2,2 triệu ca ung thư phổi, đứng thứ hai trong các loại ung thư về tỷ lệ mắc mới.
Ung thư phổi chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ, 85%. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ hai về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (sau ung thư gan).
Loại không tế bào nhỏ điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống 5 năm nếu xử trí khi khối u kích thước dưới một cm, 1% sống sau 5 năm nếu ung thư đã di căn xa. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Hiện, chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bác sĩ khuyến cáo nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 50, hút thuốc lá nhiều năm; người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ hoặc trong gia đình có nhiều người mắc ung thư, cần khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh.
Minh An