Nhằm tôn vinh những đóng góp, thành tích nổi bật của các nữ VĐV nước nhà trong năm 2018, báo Ngoisao.net tổ chức chương trình bình chọn "Ngôi sao thể thao" - một trong những hạng mục quan trọng tại chương trình Ngôi sao của năm 2018. Ông Phạm Văn Tam - CEO tập đoàn Asanzo - dành nhiều sự ủng hộ, là nhà tài trợ chính của hạng mục này.
Ông Tam tâm sự đam mê bóng đá nhưng vẫn quan tâm các môn thể thao khác. Tại Asiad 2018 hồi giữa năm, ông dành thời gian theo dõi một số môn của Việt Nam như điền kinh, nhảy xa, trong đó có phần thi đấu của các vận động viên nữ.
"Các cô gái thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, không màng chấn thương; đổ mồ hôi và nước mắt không thua kém các VĐV nam. Tuy nhiên, chỉ thưa thớt người chứng kiến giây phút họ đăng quang. Khung cảnh ấy rất dễ khiến họ chạnh lòng", ông nói.
![Ông Phạm Văn Tam - người yêu thể thao nổi tiếng trong giới doanh nhân.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2018/12/18/anh-Tam-5467-1545096197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IHtGGkShNwxSh4g_mlkmDQ)
Doanh nhân Phạm Văn Tam dành nhiều tâm huyết cho thể thao nước nhà.
Khác với bóng đá - môn thể thao vua luôn thu hút hàng chục nghìn cổ động viên, những môn thể thao khác ít người theo dõi hơn, đặc biệt là phần thi đấu của các VĐV nữ. Thành tích của các cô gái nổi bật nhất năm 2018 cũng không được nhắc với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, điển hình như Bùi Thị Thu Thảo (HC vàng nhảy xa Asiad), Dương Thúy Vi (wushu), Quách Thị Lan (HC bạc Asiad 2018 nội dung 400m rào), Nguyễn Thị Oanh (HCĐ 3.000m vượt chướng ngại vật Asiad), Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo (HCV rowing).
Được chứng kiến cảnh thi đấu nỗ lực của các nữ VĐV, ông Tam tự nhủ sẽ làm gì đó để ủng hộ, khích lệ họ phấn đấu hơn nữa.
Theo ông Tam, hạng mục "Ngôi sao thể thao" là một trong những hình thức ghi nhận cống hiến âm thầm, vinh danh đóng góp của các nữ VĐV. Bởi hiện thể thao Việt Nam có rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sống dưới mức trung bình dù có đủ huy chương vàng, bạc.
Điển hình là VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh, vì mắc bệnh viêm cầu thận, cô từng nghỉ thi đấu thời gian dài để chạy chữa. Cô khóc nhiều khi nghĩ mình sẽ chia tay đời VĐV ở tuổi đôi mươi. Nhưng nhờ tình yêu thể thao, Oanh đã vượt qua mọi chướng ngại để quay lại đường đua và giành nhiều thành tích đáng nể.
Hay bốn cô gái đội tuyển rowing chỉ được biết đến khi giành HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad vừa qua. Nhưng đằng sau nỗ lực của họ, ít người biết một số thành viên từng làm thợ hồ, mức sống bấp bênh; người mới sinh con chưa tròn năm...
Ông Tam cũng ấn tượng với thành tích của VĐV điền kinh Quách Thị Lan. Tại Asiad 2018 ở Indonesia, dù chỉ giành HC bạc ở nội dung 400m vượt rào, cô vẫn ghi tên vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi đạt thành tích kỷ lục 55 giây 30. Lan chỉ thua VĐV gốc Phi của Bahrain là Oluwakemi trên đường đua chung kết.
![Quách Thị Lan (phải) mang về HC bạc quý giá cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 2018 vừa qua. Giới chuyên môn cho rằng đây không khác nào một HC vàng, khi cô chỉ thua VĐV gốc Phi. Ảnh: Xuân Bình.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2018/12/18/Lan-8359-1545096198.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KntsjtYHSJ1i1oc_bw3Xeg)
Quách Thị Lan (phải) mang về HC bạc quý giá cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 2018 vừa qua. Ảnh: Xuân Bình
"Lời tâm sự của Quách Thị Lan vẫn mãi trong tâm trí tôi. Cô ấy nói dù con đường này rất vất vả, tốn nhiều mồ hôi và công sức, nhất là với con gái nhưng chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình. Điền kinh đã mang lại cho cô niềm vui, hạnh phúc khi có những người bạn, người thầy", vị CEO nói.
Ông Tam hy vọng qua việc vinh danh "Ngôi sao thể thao", Liên đoàn thể thao Việt Nam và khán giả sẽ công bằng hơn với các cô gái. Đôi khi chỉ cần lời khen ngợi, động viên cũng khiến họ ấm lòng.
"Tôi cũng mong cách doanh nghiệp, mạnh thường quân sẽ khích lệ các nữ VĐV thi đấu tốt kịp thời, giúp họ phần nào cân bằng cuộc sống và đam mê để chống hiến cho nước nhà nhiều huy chương vàng hơn nữa".
Lễ tôn vinh Ngôi sao của năm 2018 diễn ra ngày 19/12 tại TP HCM.