![]() |
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. |
- Trong cả văn và thơ của chị thường chứa chất nỗi ẩn ức, chị có thể gọi tên cụ thể hơn những nỗi niềm đó?
- Đó là những khắc khoải về thân phận đàn bà, những ẩn ức về nỗi khao khát được yêu và được hạnh phúc. Tôi cũng giống như nhiều phụ nữ khác, thường ao ước có một hạnh phúc bền vững, dài lâu, một cuộc tình trọn vẹn, hoàn hảo. Chúng tôi có thể hy sinh nhiều thứ, dâng hiến nhiều thứ, chấp nhận thua thiệt để đạt được điều ao ước. Để rồi, chúng tôi luôn thất vọng, đau khổ vì điều đó. Bởi trong thế gian, chẳng có gì hoàn hảo cả.
- Cái nhìn của chị về những nhân vật đàn ông thường hiện lên ích kỷ, yếu hèn, hiếm thấy mẫu người đẹp. Nguyên nhân gì khiến chị thường xây dựng những motif ấy?
- Tôi không cố tình như thế. Tuy nhiên, với những mẫu đàn ông đẹp, tôi thấy chẳng có gì để nói cả. Nếu có nói, cũng chỉ để khen ngợi sự tốt đẹp của họ. Vậy có gì hấp dẫn? Còn mẫu đàn ông ích kỷ, yếu hèn lại có quá nhiều thứ để đề cập. Họ là một thế giới muôn mặt, tốt xấu chen lẫn. Khám phá họ là cả một vấn đề.
- Người đàn bà trong thơ chị rất táo bạo, vùng vẫy với những khát khao, còn chị trong đời thường là người như thế nào?
- Nếu gọi là táo bạo thì một vài nhà thơ nữ hiện nay vượt xa tôi nhiều. Theo chủ quan, tôi chỉ viết ra những ao ước bình thường của một phụ nữ bình thường. Tất nhiên, trong cuộc sống có những ao ước đạt được và những ao ước ngoài tầm tay. Tôi không cấm tôi khao khát và hy vọng, nhất là ở trong thơ. Ngoài đời, tôi là một khối mâu thuẫn: vừa khao khát, vừa cam chịu. Vừa hy vọng, vừa thất vọng. Nhưng xin khẳng định: Tôi chỉ vùng vẫy với những khao khát của tôi, chứ không nổi loạn.
- Trong một truyện ngắn của mình, chị từng trích lời một nhà văn Pháp: "Phụ nữ vẫn thường yêu lầm người", trong thực tế chị có nằm ngoài sự "yêu lầm" đó?
- Tôi cũng chỉ là phụ nữ thôi nên khó tránh khỏi quy luật mà Simone De Beauvoir đề cập. Bạn có đọc mấy câu thơ này của tôi chưa: “Cám ơn anh đã không tráo trở phút đầu tiên/ nên em có một khoảng lớn thời gian nhầm lẫn/ cám ơn anh đã quay lưng cúi mặt/ để em biết đó là đời/ và sự thật/ chân dung anh…”
- Khi làm thơ, chị có ý thức tìm đến với những hình thức đổi mới cách tân để thu hút sự chú ý của độc giả?
- Tôi không muốn thu hút độc giả chỉ bằng hình thức. Tôi luôn nghĩ rằng ruột của quả cam sẽ quyết định việc người ta có mua nó hay không, hơn là cái vỏ. Tuy nhiên, để đừng bị thoái hóa, tôi vẫn ý thức để chăm sóc “cái vỏ” của mình, sao cho nó vẫn giữ được cảm tình đối với mắt nhìn của người khác.
- Độc giả đón nhận những tác phẩm của chị và một số tác giả cùng lứa với chị nhưng vẫn chưa thể quen với nhưng kiểu thơ quá mới, đến kỳ quặc, chị nhận xét thế nào về thơ trẻ hiện nay?
- Bản thân chữ thơ đã nói lên tính cách của thơ. Dù cổ điển hay cách tân, thơ cũng phải nói lên được vẻ đẹp của sự vật hoặc trí tuệ. Quan trọng hơn, nó phải chuyển tải bằng cảm xúc, Nếu không làm được những điều đó, hoặc gây phản cảm cho người đọc, thơ sẽ không còn là thơ. Tôi rất ủng hộ những tìm tòi, thể hiện mới trong cách làm thơ, miễn là nó giữ được tính lãng mạn truyền thống. Ngoài ra, tôi không thích kiểu làm thơ bí hiểm, quái dị, đánh đố trong câu chữ. Tôi cũng không thích kiểu thơ quá trần trụi, quá thô thiển nấp dưới hai chữ “cách tân”.
- Hiện nay, nhà thơ thường phải bỏ tiền ra in và có khi mang về nhà làm kỷ niệm, chị nghĩ thế nào về hiện tượng này?
-Vì kinh tế thị trường thôi. Thơ là mặt hàng rất kén chọn người mua. Phải là người có lòng với thơ ca lắm mới bỏ tiền ra mua một cuốn đem về đọc. Các nhà xuất bản đặt nặng vấn đề kinh doanh, không thể để tiền của mình hứng bụi trên kệ dài ngày. Vì thế, họ ít mặn mà trong chuyện in thơ. Các nhà thơ yêu đứa con tinh thần, muốn giới thiệu cho bạn đọc thì phải tự bỏ tiền ra in. Còn việc mang về nhà làm kỷ niệm, tặng bạn bè, người thân hay bán hết được cho độc giả, việc nào cũng vui cả.
- Chị nói nghề cầm bút dễ khiến làm phụ nữ già đi rất nhanh nhưng làm thơ cũng là một cách giữ cho tâm hồn mình luôn tươi trẻ, tại sao lại có sự đối lập ấy?
- Tôi không cho rằng làm thơ có thể giữ cho tâm hồn tươi trẻ. Thơ thường biểu lộ cho sự suy tư, trăn trở, dày vò. Ít ai làm thơ mà thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, trừ những người làm thơ cho trẻ con. Đúng ra, làm thơ là cách tự an ủi, vỗ về, giúp cho mình nguôi ngoai, trút ra những bế tắc trong tình yêu, cuộc sống, khiến tâm hồn bình lặng, trong trẻo trở lại. Thế giới của thơ ca là một thế giới lãng mạn, nhiều tưởng tượng, khác hẳn thế giới trần trụi, nhiều biến động của văn xuôi - nơi người phụ nữ cầm bút phải trực diện với những sự thật mà đôi khi họ không chịu nổi, Vì thế, làm thơ thì tâm hồn… già chậm hơn, chứ không phải không già.
Thu Hà thực hiện