Vài ngày sau khi đăng video mô phỏng cảnh cựu tổng thống Barack Obama bị bắt, Tổng thống Donald Trump ngày 22/7 tiếp tục thúc đẩy giả thuyết người tiền nhiệm từng tìm cách khiến người dân Mỹ hiểu sai về kết quả bầu cử năm 2016, cản trở ông thực hiện nhiệm kỳ đầu của mình năm 2017-2020.
"Người cầm đầu âm mưu này là cựu tổng thống Obama, ông Barack Hussein Obama. Ông ta có tội. Đây là hành động phản quốc. Tất cả những từ tồi tệ nhất mà bạn có thể nghĩ đến. Họ đã cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử. Họ tìm cách làm sai lệch kết quả. Họ đã làm những điều mà chưa ai từng tưởng tượng, kể cả ở các quốc gia khác", ông Trump nói với báo chí tại Phòng Bầu dục, khi đang tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr.
Vào năm 2016, trong những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kết luận rằng Nga đã cố can thiệp bầu cử Mỹ với xu hướng ủng hộ ông Trump giành chiến thắng. Chính phủ Mỹ sau đó trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga và áp đặt lệnh trừng phạt lên Moskva.
Một báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2017 công bố chi tiết chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga lên bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2019, báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller lại kết luận không tìm thấy đủ bằng chứng khẳng định chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga, song vẫn cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử "một cách sâu rộng và có hệ thống".

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 22/7. Ảnh: Reuters
Ông Trump luôn nhìn nhận những cuộc điều tra này là đòn tấn công chính trị nhằm làm suy yếu quyền lực của mình. Tổng thống Mỹ ngày 22/7 nhắc lại các tuyên bố gần đây từ Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và cáo buộc chính quyền Obama phạm tội.
"Họ đã cố gian lận cuộc bầu cử, rồi họ đã bị phát hiện. Họ xứng đáng phải nhận hậu quả nghiêm khắc", ông Trump nói.
Những căng thẳng nhắm vào ông Obama bắt đầu từ khi bà Gabbard ngày 18/7 công bố đã tìm ra những bằng chứng mới về "Tin giả về Nga", cho thấy cựu tổng thống Obama và nội các an ninh quốc gia của ông "đã làm giả và chính trị hóa thông tin tình báo để tạo tiền đề cho chiến dịch hạ bệ kéo dài nhiều năm chống lại Tổng thống Trump".
Sau đó, Gabbard tiếp tục đăng hàng loạt bài viết trên mạng xã hội, một số ám chỉ rằng bà đã thúc ép Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố ông Obama. Bà cho rằng những cuộc điều tra về Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là âm mưu phản quốc. "Mục tiêu của họ là lật đổ Tổng thống Trump và đảo ngược ý chí của người dân Mỹ", Gabbard lập luận.
Người phát ngôn của ông Obama đã phản bác các cáo buộc, nói rằng chúng "quá phi lý đến mức buộc phải lên tiếng đáp trả".
Phía ông Obama cho rằng những cáo buộc "kỳ quặc đến nực cười" chỉ là một "nỗ lực yếu ớt nhằm đánh lạc hướng dư luận", ám chỉ việc Bộ Tư pháp Mỹ không công bố hồ sơ về tài phiệt ấu dâm Jeffries Epstein.
"Không có điều gì trong số tài liệu được công bố tuần trước làm suy yếu kết luận đã được công nhận rộng rãi rằng: Nga từng tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và không thao túng thành công bất kỳ lá phiếu nào", người phát ngôn của Obama cho biết. "Những kết luận này đã được khẳng định lại trong báo cáo năm 2020 của Ủy ban Tình báo Thượng viện lưỡng đảng, do ngoại trưởng Marco Rubio, khi đó là thượng nghị sĩ, đứng đầu".
Thanh Danh (Theo Fox, CBS, Al Jazeera)