Ngày 1/4/2008, Fran Metcalf được đưa vội đến bệnh viện vì ngừng tim trong quá trình chạy thận nhân tạo thông thường tại phòng khám DaVita ở thành phố Lufkin, bang Texas. Con gái Fran cho biết huyết áp của bà giảm mạnh, sau đó tín hiệu cảnh báo vang lên.
Chỉ 30 phút sau, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác cũng bị ngừng tim. Hai bệnh nhân sau đó tử vong trong cùng một ngày.
Con gái Fran ngay lập tức nghi ngờ cái chết của mẹ. "Tôi cúi xuống hôn lên má bà ấy. Khi đó, một mùi kinh khủng xộc vào mũi và mắt tôi. Nó có mùi như thuốc tẩy", cô nói.
Trong tuần tiếp theo, năm bệnh nhân nữa bị ngừng tim khi chạy thận ở DaVita, tất cả may mắn sống sót. Phòng khám đã mở cuộc điều tra nhưng không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra các cơn ngừng tim.
Sau đó, ngày 16/4/2008, thêm hai bệnh nhân nữa bị ngừng tim, một người tử vong. Sáu ngày sau, hai bệnh nhân khác bị các biến cố tim mạch, một người không qua khỏi là Cora Bryant. Trước khi bệnh viện kích hoạt quy trình báo động khẩn, bà Cora hỏi "Bạn đã đưa cho tôi cái gì?". Câu hỏi kỳ lạ đó được nhiều người xung quanh nghe thấy.
Tính từ ngày 1/4, trong chưa đầy một tháng, hơn 30 bệnh nhân được đưa đến bệnh viện khi đang chạy thận tại phòng khám DaVita.
Cuối tháng 4/2008, DaVita liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) để nhờ giúp đỡ. Phân tích của Trung tâm cho ra kết luận đáng kinh ngạc rằng: một trong những nhân viên có thể đang giết người.
Lúc này, năm bệnh nhân đã tử vong chỉ trong vòng vài tuần tại phòng khám. Các bệnh nhân khác đều trong tình trạng lo lắng tột độ, cảnh giác và bắt đầu chú ý xung quanh.
Sau đó, một nữ bệnh nhân chứng kiến một y tá đi đến xô đựng dung dịch thuốc tẩy trên sàn, cúi xuống và rút dung dịch đó vào ống tiêm. Tiếp tục quan sát, người này ngỡ ngàng khi thấy y tá đó đi đến giường của một bệnh nhân đang ngủ rồi tiêm dung dịch vào các đường truyền.
Một bệnh nhân khác cũng chứng kiến điều kinh hoàng tương tự. Họ xác định y tá Kimberly Saenz là người tiêm thuốc tẩy. Tuy nhiên, các bệnh nhân không tiện lên tiếng phản đối ngay lập tức vì vẫn đang phải dùng máy chạy thận nhân tạo để lọc máu. Nhưng họ đã cảnh báo một nhân viên khác về những gì nhìn thấy, sau đó cảnh sát được gọi đến.
Điều tra lý lịch của Kimberly, cảnh sát phát hiện cô ta chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, sau đó đi học ngành điều dưỡng ở trường dạy nghề và được cấp giấy phép.
Kimberly từng bị đuổi khỏi Bệnh viện Woodland Heights vì nghi ngờ ăn cắp thuốc của bệnh nhân. Trong thời gian làm việc tại phòng khám DaVita, cô ta từng bị Hội đồng đánh giá và thẩm định y tá của bang Texas điều tra vì cáo buộc ăn cắp thuốc của bệnh nhân.
Cảnh sát thu thập các hộp an toàn đựng vật sắc nhọn, kim tiêm vứt bỏ trong nhiều tuần từ phòng khám này làm bằng chứng để xét nghiệm. Một số cho kết quả dương tính với thuốc tẩy, chứng thực lời kể của bệnh nhân.
Khi bị thẩm vấn, Kimberly nói với cảnh sát rằng các máy móc điều trị được làm sạch bằng thuốc tẩy và băn khoăn liệu điều đó có thể khiến bệnh nhân bị ốm không. Cảnh sát nhận xét Kimberly như thể "có tật giật mình" vì họ còn chưa thông báo cáo buộc là gì nhưng nữ y tá đã cố gắng chuẩn bị sẵn một lời giải thích.
Điều tra viên có bước đột phá trong vụ án khi chồng của Kimberly, đã đệ đơn ly hôn, liên lạc với họ. Theo lời khai, khi làm việc trên máy tính Kimberly từng sử dụng, người chồng phát hiện lịch sử tìm kiếm có từ khóa "chạy thận nhân tạo".
Cảnh sát lập tức xin lệnh khám xét máy tính. Họ tìm thấy các kết quả tìm kiếm về tác động của thuốc tẩy đối với bệnh nhân. Các cụm từ "thuốc tẩy" và "ngộ độc thuốc tẩy" cũng được tìm kiếm vào ngày 1/4 trước khi Kimberly đi làm, sau đó có hai bệnh nhân tử vong. Kimberly còn gõ câu hỏi trên máy tính của mình: "Có thể phát hiện thuốc tẩy trong đường truyền chạy thận không?".
Sau khi biết thuốc tẩy có thể là thứ được sử dụng để sát hại bệnh nhân, cảnh sát có được lời khai từ một nhân viên tại DaVita, đã ở cạnh bệnh nhân tên Garlin Kelley Jr. khi ông qua đời ngày 16/4/2008.
Người này là kỹ thuật viên chăm sóc bệnh nhân, đã đứng gần máy chạy thận của Garlin và chứng kiến thứ trông giống như một cục tóc đen đi qua đường truyền vào cơ thể của bệnh nhân. Cảnh sát cho rằng kỹ thuật viên đã chứng kiến kết quả của việc Kimberly tiêm thuốc tẩy. "Các hồng cầu sẽ nổ tung khi gặp thuốc tẩy. Khi một số lượng nhất định tế bào máu nổ tung hoặc vỡ ra, nó sẽ gây ra tình trạng ngừng tim", nhà chức trách cho biết.
Thuốc tẩy không thể được phát hiện trong quá trình khám nghiệm tử thi và xét nghiệm máu, nên cảnh sát liên hệ với một chuyên gia tại CDC. Chuyên gia này giải thích rằng nếu thuốc tẩy được đưa vào máu của bệnh nhân với số lượng lớn, thì cơ thể họ sẽ có một loại axit amin gọi là chlorotyrosine với nồng độ rất cao. Tất cả mẫu máu từ nạn nhân nghi ngờ bị Kimberly đầu độc bằng thuốc tẩy đều cho thấy có chlorotyrosine.
Cảnh sát cũng đối chiếu bảng chấm công và ngày tháng bệnh nhân gặp sự cố, từ đó phát hiện người duy nhất có mặt trong tất cả các sự kiện là Kimberly.
Kimberly bị bắt vào ngày 9/4/2009, nhưng không bị đưa ra xét xử cho đến tháng 3/2012. Bồi thẩm đoàn kết tội Kimberly giết năm người và làm bị thương ba người khác, tuyên án tù chung thân không được ân xá.
Gia đình nạn nhân chia sẻ rằng cảm thấy nhẹ nhõm vì Kimberly không thể gây đau khổ cho bất kỳ ai khác.
Tuy nhiên, động cơ của Kimberly vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. "Mọi người đều muốn biết lý do tại sao. Người duy nhất biết điều đó là Kimberly, trừ khi cô ta giải thích, nếu không sẽ chẳng ai biết được. Có vẻ như cô ta chỉ giết người mà không vì lý do gì", Stephen Abbott, cựu trung sĩ của Sở cảnh sát thành phố Lufkin, nói.
Các điều tra viên tin rằng Kimberly có thể phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một số bệnh nhân khác, nhưng không có thêm cáo buộc nào được đưa ra vì thiếu bằng chứng.
Tuệ Anh (Theo Oxygen)