Đối với cá nhân tôi, nước Pháp là hai từ rất đỗi gần gũi. Đó không chỉ là vẻ đẹp văn hoá, những dấu ấn từ lịch sử, hay sức hấp dẫn đầy mê hoặc của “kinh đô Ánh sáng”, mà còn là những hồi ức về những con người, những câu chuyện dung dị mà tôi có dịp gặp gỡ, ghi lại.
![Ảnh: Tác giả trong một lần phỏng vấn Đại sứ Pháp Hervet Bolot (áo xanh, ngoài cùng bên phải)](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/06/27/phap-JPG-1372331720.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DQS0sZkSmf8OUT7tdQAZ6g)
Có lẽ tôi là một học trò may mắn khi được học văn học Pháp với bà giáo, tiến sỹ Đinh Thị Reo (nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà nội). Gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in những giờ học ấy. Hình ảnh bà giáo đi lại bên cửa sổ với giọng nói trầm ấm, ánh mắt xa xăm giảng về “Ba chàng Ngự lâm pháo thủ”, về “Những Người Khốn khổ”, “Nhà thờ Đức bà Paris”, “Hội chợ phù hoa”….khiến lũ học trò lơ ngơ chúng tôi nức nở, trầm trồ thầm ước mình biến thành cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda, rồi chúng tôi xót thương cho số phận của Jean Valjean, và ước mình có thể bay ngay đến Paris hoa lệ.
Gần 20 năm trôi qua, những ký ức ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên để mỗi khi có dịp, tôi lại đắm mình trong sự mơ màng với những Bang Bang, Poupée De Cire Poupée De Son, L'Amour C'est Pour Rien…
Có lẽ cũng là duyên số và may mắn khi công việc cho phép tôi được tiếp xúc và phỏng vấn rất nhiều nhà ngoại giao, chính khách, các nhân vật nổi tiếng, và cả những con người bình thường đến từ nước Pháp.
Còn nhớ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề với cựu Đại sứ Jean-Francois Blarel, tôi thật sự lo lắng khi trước đó xem ảnh ông trên báo thấy ông mang vẻ mặt khá lạnh lùng. Vậy mà, cảm giác ấy đã bị xua tan khi ông trả lời thẳng thắn và khá cởi mở. Từ cuộc phỏng vấn ấy, ấn tượng về sự xa cách, về cái mà người ta thường nói về sự lạnh lùng và kiểu cách của người Pháp đối với tôi đã tiêu tan.
Kể thì dài dòng, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến sự nhiệt tình, tận tâm của cố đại sứ Hervé Bolot và sự uyên bác, hiểu biết của cựu Đại sứ Jean-François Girault. Trong đó, đối với giới báo chí chúng tôi, ông Hervé Bolot luôn gây sự ngạc nhiên thú vị với chiếc nơ đỏ và nụ cười tươi rói. Với sự giúp đỡ của ông, các phóng viên Việt Nam có dịp gặp gỡ rất nhiều “VIP Pháp”, trong đó có nữ diễn viên Emmanuelle Beart, nhà văn Marc Levy, các chính khách của nhiều đảng phái chính trị và cả những doanh nghiệp "cỡ bự" như Renault, L’Oreal, Peugeot, EADS khi họ tới tìm hiểu thị trường Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảnh hai vợ chồng nhà ngoại giao này dắt tay nhau thong thả đi dọc theo con phố Bà Triệu và nụ cười của hai ông bà khi nhìn thấy lũ trẻ con trên phố. Ai đó đã thốt lên rằng, trông họ thật tình cảm và thân thiện. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, họ đã thể hiện một hình ảnh nước Pháp không thể tuyệt vời hơn. Đó không chỉ là nước Pháp của tự do, của bình đẳng và bác ái; mà còn là đất nước của sự hoà đồng, của niềm tin về sự phát triển.
Trong câu chuyện cách đây 4 năm, nhà báo kỳ cựu người Pháp, ông Jean Claude Pomonti nói rằng “cái khó của người cầm bút không chỉ giữ được cái tâm trong sáng, phản ánh đúng sự thật mà còn phải diễn tả được cái thần của sự vật, hiện tượng”. Điều đó quả rất đúng.
Đối với cá nhân tôi, dù đã viết rất nhiều, đi rất nhiều, nhưng thật khó khi kể về những người bạn Pháp. Những cái tên như nhà sử học Philippe Chaplain, hoạ sỹ Dominique Miscault, Nicolas Cornet, cụ Raymond Aubrac; hay Cedric và Alice (2 bạn trẻ đạp xe vòng quanh thế giới ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam) đều là những người Pháp hết sức bình thường, song mỗi câu chuyện về họ lại là những ký ức sống động, với những góc nhìn riêng về văn hoá và con người.
Tôi vẫn nhớ cảnh nhà sử học Philippe Chaplain đứng trầm ngâm trước đôi Rồng đá cửa điện Kính Thiên, đôi mắt cụ Raymond Aubrac ánh lên vẻ linh hoạt khi kể chuyện về Hồ Chủ tịch. Sẽ không ngoa khi nói rằng mỗi con người ấy đều là một đại sứ văn hoá giúp tôi đi tới kinh đô Ánh sáng xa xôi, hiểu được những giá trị cốt lõi của nước Pháp và thoả mãn ước nguyện của một thời chưa xa với mơ ước trở thành cô gái Bohémiensvới lời giảng của bà giáo 20 năm về trước.
Nếu ai đó nói rằng, phải đến Pháp mới cảm nhận được nước Pháp. Nhất định tôi sẽ trả lời rằng “bạn đã sai”. Dù chưa một lần đặt chân tới Pháp, nhưng chỉ cần “tôi yêu, bạn yêu”, nước Pháp đã ở trong tim bạn. Với cá nhân tôi, nước Pháp, tuy xa mà lại rất gần. Lại nhớ đến hình ảnh ông Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier ngồi bên tô phở Hà nội nghi ngút khói, không thể không thốt lên rằng “La France, tôi yêu bạn”.
Vũ Hồ Điệp