Tại Phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ cũng thảo luận về một số dự án Luật sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính trình, các ý kiến nhất trí không quy định việc đánh thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn. Trong khi, các thành viên Chính phủ nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia nhưng có lộ trình cụ thể, hợp lý.
Trước đó, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính đề xuất đầu năm, mặt hàng bia sẽ bị tăng mức áp thuế từ 50 lên 65%. Mức thuế cao nhất đối với mặt hàng rượu cũng là 65% thay vì 50% như trước đây. Thuốc lá điếu, xì gà tăng thuế từ 65% lên 75%.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga và hoạt động kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất lần lượt là 10 và 30%. Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều ý kiến tranh cãi về dự định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn.
Một số chuyên gia lo ngại điều này có thể khiến các công ty trong nước khó cạnh tranh với tập đoàn ngoại, tạo cơ hội cho buôn lậu... Lý do mà cơ quan soạn thảo đưa ra khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này là các loại nước ngọt có thể gây ra một số bệnh như tiểu đường, béo phì, dạ dày, gút hoặc thậm chí ung thư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng lập luận này không được hỗ trợ bởi các nghiên cứu y khoa, và do đó nó chưa thực sự thuyết phục.
Góp ý về dự thảo, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp cho rằng luận cứ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga không cồn chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh.
Theo số liệu báo cáo của Cục thuế các tỉnh, tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn. Nếu được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới đây vào tháng 10 tới, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Ngọc Tuyên