Vùng đất khắc nghiệt - nơi nắng thì cháy da, mưa thì lụt lội, sạt lở ám ảnh từng mái nhà tuềnh toàng ôm vào lưng núi.
Năm nay, vẫn là những cái tên như Tam Thái, Tam Hợp, Nhôn Mai... nơi chúng tôi từng đi qua - vẫn những con đường mòn ngập nước, những nóc nhà bị chia cắt. Khác với vùng đô thị - ngập lụt thường do mặt đệm bê-tông hóa làm giảm khả năng thấm, thì ở vùng núi Nghệ An, nguyên nhân chủ yếu lại là mưa lớn kéo dài trên địa hình dốc, rừng đầu nguồn suy giảm, cùng hệ thống tiêu thoát tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.
Nhiều đợt mưa lớn gần đây không còn mang tính cục bộ mà xảy ra trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Tổng lượng mưa có thể vượt 200 mm chỉ trong 1-2 ngày. Khi đó, khả năng tiêu thoát trở nên quá tải. Hơn nữa, trong khi các hồ chứa lớn như Bản Vẽ có dung tích điều tiết, giúp cắt lũ phần nào cho hạ du, thì các thủy điện nhỏ hơn trong vùng - vốn không có hồ chứa hoặc hồ rất nhỏ (công suất phát điện < 30 MW) - buộc phải xả lũ gần như theo lưu lượng đến, khiến nguy cơ "lũ chồng lũ" gây ngập diện rộng có thể xảy ra.
Trong dự án đánh giá tác động của chúng tôi, đối tượng tìm hiểu là một thủy điện có công suất 15 MW, nằm ở thượng nguồn một con suối. Kết quả nghiên cứu bằng nhiều nguồn cho thấy, sau khi có thủy điện, diện tích ngập lụt của toàn vùng đã tăng cao nhất đến 7 lần so với trước đó. Đất bị ảnh hưởng chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp - sinh kế của bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường. Kịch bản về những trận lũ lịch sử - thậm chí có quy mô tương đương với lưu lượng đỉnh lũ "5.000 năm có một (5.000 năm có khả năng xuất hiện một lần)" - như ở hồ thủy điện Bản Vẽ ngày 22/7 vừa rồi, không còn là điều viển vông.
Thủy điện không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra lũ lụt, mà chính việc quy hoạch thiếu tổng thể và vận hành thiếu trách nhiệm mới là yếu tố làm gia tăng rủi ro. Bên cạnh đó, mất rừng đầu nguồn khiến dòng chảy lũ trở nên đột ngột và hung dữ hơn, do không còn lớp thảm thực vật làm chậm dòng nước. Khi mưa lớn kéo dài, các hồ chứa nhỏ buộc phải xả để tránh nguy cơ vỡ đập, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và thiệt hại cũng nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, tỉnh Nghệ An có 23 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất khoảng 934,9 MW. Trong đó, số thủy điện nhỏ (< 30 MW) là 17, chiếm 74% số lượng và khoảng 20% sản lượng điện. Theo Quy hoạch điện VIII, tính đến năm 2030 sẽ có thêm 9 thủy điện được đầu tư phát triển. Trong quá trình thực hiện rà soát, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương loại khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện có quy mô nhỏ, hiệu quả dự án không cao.
Tất cả những điều trên đặt ra một câu hỏi lớn: các công trình thủy điện nhỏ đang được vận hành như thế nào?
Tôi từng ngồi trong hội đồng thẩm định cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thủy điện. Về mặt lý thuyết, bản thân các thủy điện nhỏ, diện tích chiếm đất và diện tích sử dụng cho công trình là tương đối nhỏ. Chủ đầu tư, các đơn vị vận hành đều cam kết phục hồi diện tích rừng, đảm bảo tuân thủ, phối hợp vận hành liên hồ, duy trì dòng chảy tối thiểu 24/7. Nhưng giữa cam kết và thực tế có một khoảng cách khá lớn.
Luật cũng yêu cầu phải có hệ thống giám sát truyền dữ liệu vận hành về tỉnh, về Cục Quản lý tài nguyên nước - đó là một tiến bộ lớn. Tuy nhiên, để biết các nhà máy có thực sự phối hợp nhịp nhàng hay không, lại cần một cơ chế kiểm chứng độc lập, hiệu quả, và minh bạch hơn nữa.
Ở góc nhìn rộng hơn, không thể phủ nhận thủy điện - đặc biệt là thủy điện lớn - có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và phòng chống thiên tai. Hồ Hòa Bình, hồ Sơn La đã bao năm nay không chỉ giúp hạ du sông Hồng tránh được những trận lũ lịch sử mà còn giúp chính vựa lúa nơi đây được đảm bảo cấp đủ nước trong mùa kiệt. Các thủy điện nhỏ cũng là nguồn năng lượng cho vùng sâu, vùng xa - nơi điện lưới quốc gia còn chưa vươn tới được, góp phần đóng góp vào ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, thủy điện vừa và nhỏ, nếu phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch tổng thể theo lưu vực sông, thiếu sự giám sát chặt chẽ và gắn kết với các ngành khác như nông nghiệp, giao thông, xây dựng - thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi đó, lợi ích mang lại chỉ tập trung ở một nhóm, còn rủi ro chia đều, chia lâu cho cộng đồng hạ du, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ven sông, ven suối, chưa kể những tác động âm thầm và lâu dài cho hệ sinh thái, môi trường bản địa.
Tôi nhớ trong những chuyến thực địa của mình, bà con ở Tương Dương kể ngày xưa nước suối mùa khô vẫn đủ tắm giặt, chăn nuôi. Giờ thì mùa khô có thể lũ bất ngờ, mùa mưa lại trơ đáy. Trước kia, đến bữa chỉ cần ra suối một lúc là có cá mát ăn, giờ tìm cả ngày không thấy con nào. Đó là sự mất cân bằng không chỉ môi trường, hệ sinh thái mà còn là văn hóa, cảnh quan mà thủy điện nhỏ - nếu không được quy hoạch hợp lý - có thể góp phần tạo ra.
Vậy cần làm gì để giải quyết vấn đề một cách bền vững? Giải pháp không phải là phê phán hay loại bỏ thủy điện, mà cần quy hoạch một cách tổng thể, xem xét hiệu quả tổng hợp theo lưu vực sông. Cần rà soát lại công bằng và toàn diện các công trình thủy điện nhỏ trên cả bốn mặt: kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa, theo các kịch bản cả về không gian và thời gian. Từ đó, loại bỏ những dự án không mang lại hiệu quả thực sự. Không thể vì những lợi ích ngắn hạn về điện năng hay ngân sách mà đánh đổi sự ổn định lâu dài của cộng đồng địa phương, của hệ sinh thái và di sản văn hóa bản địa.
Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2023 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 53/2024/NĐ-CP, các thông tư kỹ thuật liên quan đã đặt ra yêu cầu rất cụ thể và chi tiết, bao gồm cả việc lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa, xây dựng quy chế phối hợp vận hành đối với các đập, hồ chứa trên cùng lưu vực, bảo vệ môi trường sinh thái vùng hạ du, giám sát vận hành hồ chứa theo thời gian thực... Nhưng điều quan trọng là phải thực thi nghiêm túc. Đồng thời, bên cạnh việc đóng thuế cho khai thác tài nguyên nước như một điều tất yếu, cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng, công bằng giữa bên khai thác và cộng đồng chịu ảnh hưởng. Mặt khác, cần xem xét tác động không chỉ là kinh tế hay môi trường, mà cả văn hóa trong cả giai đoạn trước và sau khi có dự án thủy điện - điều rất dễ bị bỏ quên trong các quy hoạch kỹ thuật đơn thuần.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có những điều chỉnh quan trọng trong cách tiếp cận quản lý nước. Xu hướng phá bỏ đập để trả lại dòng chảy tự nhiên ngày càng rõ nét. Hà Lan - đất nước từng tự hào về các công trình kiểm soát lũ, lụt - đã loại bỏ dần nhiều con đập từ hàng chục năm trước. Gần đây, Trung Quốc cũng dỡ bỏ hàng trăm con đập thủy điện để phục hồi hệ sinh thái, hy vọng cứu vãn các loài thủy sinh đang trên đà tuyệt chủng. Những quyết định ấy không đến từ sự yếu kém về kỹ thuật, mà từ tầm nhìn xa - nhận ra rằng nước có thể mang lại lợi ích to lớn, nhưng cũng có thể là nguồn gốc của thảm họa nếu bị quản lý sai cách.
Mỗi khi xây một con đập, cũng nên dành chỗ cho dòng chảy tự nhiên - và cho tiếng nói của người dân địa phương.
Tương tự, tình trạng ngập lụt cũng xảy ra ở các đô thị như Hà Nội, TP HCM mỗi khi có mưa lớn. Nguyên nhân chính không chỉ nằm ở địa hình mà còn ở tốc độ bê-tông hóa mặt đệm, hệ thống thoát nước quá tải, thiếu không gian dành cho nước. Biến đổi khí hậu, mưa cực đoan, nước biển dâng là những yếu tố không thể ngăn được - hoặc nếu có, thì cũng không thể trong một sớm một chiều. Nhưng hoàn toàn có thể chủ động ứng phó và giảm thiểu.
Một trong những bài học tôi từng rút ra khi làm việc cho một công ty tư vấn tài nguyên nước của Australia là: bất kỳ công trình xây dựng nào - dù là trung tâm thương mại hay nhà dân - đều phải đánh giá tác động môi trường và thủy văn chi tiết. Điều này giúp cân nhắc từ sớm nguy cơ gia tăng dòng chảy bề mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu thoát hiện hữu. Việt Nam cần học hỏi và điều chỉnh chính sách theo hướng này ngay từ bây giờ, bên cạnh việc quy hoạch lại các "không gian sống" cho nước - nếu không muốn thấy cảnh phố thành sông mỗi khi mưa xuống.
Gắn bó với công việc đánh giá tác động của nước hơn mười năm qua, tôi hiểu nước luôn tìm đường đi của nó. Nếu con người biết tôn trọng dòng chảy ấy, thì nước là bạn. Còn nếu cố gắng cưỡng lại, hoặc trục lợi từ nó mà không màng đến hệ quả lâu dài, nước sẽ cuốn phăng và phá vỡ tất cả.
Trần Đức Thịnh