Tôi cũng như bao cô gái khác ở quê tôi thời đó, chỉ có một giấc mơ lấy chồng Việt kiều để sang Mỹ làm nail. Gia đình tôi cũng không khá giả gì trong vùng, vì vậy thời đó được gả cho Việt kiều, hiện thực hóa được giấc mơ đối với tôi là một biến cố quá lớn của cuộc đời mình. Và rồi công cuộc đặt chân sang đất Mỹ của tôi cũng rất nhanh chóng, những tưởng cuộc đời tôi đã sang trang một cách chóng vánh như đang lật một trang sách. Thế rồi trang sách ấy cũng bắt đầu lấm màu, một mảng màu tối của cuộc sống.
Sang đất khách, tôi chỉ bập bẹ tiếng xứ người, thân gái chỉ có thể trông cậy vào người đàn ông của mình. Lúc trước, cuộc sống của tôi tuy vất vả, cơ cực, nhưng khi sang đây thì viễn cảnh mà mọi người và như bản thân tôi hay tô vẽ cũng chỉ là một viễn cảnh trong tranh. Mỗi buổi sáng chưa tới 8 giờ, tôi cùng những đồng nghiệp của mình, đủ mọi lứa tuổi, chủ yếu là người châu Á, tụ tập dọc những con phố chính ở Flushing (Queens, Mỹ) để lên xe tới khắp các salon ở những bang lân cận. Đó là ngày khởi đầu làm việc của tôi cùng với hội thợ làm móng thành phố New York. Và chúng tôi chỉ trở về nhà lúc tối muộn, sau 10-12 giờ làm việc. Niềm an ủi duy nhất của tôi trong những năm tháng nơi xứ người là người chồng của mình. Mặc dù anh cũng bận bịu với công việc ở công xưởng, nhưng luôn là người biết quan tâm, chăm sóc cho tổ ấm của cả hai đứa. Thế nhưng, mọi thứ sao có thể khỏa lấp được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong tôi?
Biển quê tôi không mang màu lam dịu nhẹ như biển Phú Quốc, hay một màu xanh ngọc bích huyền bí như biển Nha Trang, mà là một màu xanh trầm đục. Những hôm trưa nắng, biển như người mẹ đang ôm cả vùng quê chúng tôi, và tiếng gió biển xào xạc qua hàng dừa như những tiếng ru êm dịu, vỗ về… Trong ký ức của tôi, biển quê tôi có bãi cát vàng thoai thoải, được bao bọc bằng cả mảng xanh của những cây muống biển, loài cây có sức sống mãnh liệt, luôn không ngừng sinh sôi và phát triển, trải xanh cả một dải bờ.
Thế nhưng, nỗi nhớ biển, nhớ nhà không làm tôi da diết cho đến khi có sự cộng hưởng của dòng thời gian. Những ngày Tết của năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, chúng tôi ăn Tết với đầy đủ bánh chưng, bánh tét, cũng như những bộ áo dài do tôi, các cô, các chị nhà chồng mặc. Thậm chí chúng tôi còn có cả mâm cơm chiều 30 Tết. Những điều này vốn là bình thường khi ở quê nhà, nhưng ở xứ người thực sự rất kỳ lạ. Lúc ấy cảm giác trong tôi bồi hồi lắm… Chúng tôi dù cố tạo ra đầy đủ những món ăn và hương vị ngày Tết đến mấy thì cũng không thể nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Những ngày ấy trong tôi luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng và ý nghĩa.
Tôi sang đây đã được gần 3 năm, luôn bận bịu suốt ngày với công cuộc mưu sinh, luôn phải gạt sang một bên nỗi nhớ quê hương. Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: “Có lẽ sẽ có một thời điểm rất gần, rất gần thôi, chúng tôi sẽ trở về… Nơi ấy, nơi tôi từng tìm mọi cách để rời đi, nhưng giờ đây, đó là nơi duy nhất tôi muốn trở về. Ôi, quê tôi”.
Như Huy
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com