Khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, các quốc gia phương Tây đã chào đón nồng nhiệt, bởi việc kết nạp quốc gia Bắc Âu này sẽ giúp liên minh tăng cường đáng kể năng lực quân sự. Trong nhiều thập kỷ qua, Phần Lan duy trì chính sách trung lập, nhưng cũng không ngừng tăng cường sức mạnh cho quân đội của mình.
"Chúng tôi có năng lực phòng thủ quan trọng để đối phó với nguy cơ xung đột như ở Ukraine. Tính bình quân đầu người, chúng tôi có lẽ có sức mạnh hỏa lực tốt nhất châu Âu", tướng Timo Pekka Kivinen, tư lệnh các lực lượng vũ trang Phần Lan, cho hay.
Quan chức Phần Lan bày tỏ thất vọng khi nước này chưa thể hoàn thành tiến trình gia nhập NATO sau 6 tháng kể từ khi liên minh đưa ra lời mời. Điều đó khiến cả Phần Lan và Thụy Điển rơi vào "vùng xám" giữa việc từ bỏ chính sách trung lập và khả năng được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ tập thể của NATO.
"Chúng tôi đã đáp ứng các tiêu chí quân sự để trở thành thành viên NATO và nếu xét theo chi tiêu quốc phòng, chúng tôi cũng tuân thủ mức 2% GDP", tướng Kivinen nói.

Một người lính Phần Lan tham gia tập trận cùng quân đội các nước NATO tại nước này hồi tháng 5. Ảnh:WSJ.
Dù dân số chỉ có 5,5 triệu người, Phần Lan có số lượng pháo nhiều hơn Pháp và Đức gộp lại, đồng thời có thể huy động 280.000 quân nếu có chiến tranh, lớn hơn cả lực lượng của Vương quốc Anh.
Phi đội tiêm kích F/A-18 Hornet được trang bị tên lửa Mỹ hiện đại của Phần Lan sẽ sớm được thay thế bằng 64 chiến đấu cơ tàng hình F-35A. Phần Lan cũng có hệ thống phòng thủ bờ biển tinh vi và lực lượng hải quân hiện đại chuyên tác chiến ven biển Baltic, cùng khả năng chiến đấu ở Bắc Cực.
Những cuộc chiến trong quá khứ đã khiến Phần Lan có động lực duy trì hệ thống phòng thủ biên giới dài 1.343 km với Nga, kể cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các quốc gia châu Âu khác đã phá bỏ phần lớn những hệ thống phòng thủ lãnh thổ của mình, với niềm tin rằng một cuộc chiến lớn ở châu Âu sẽ không thể xảy ra.
"Chúng tôi đã không làm như vậy", Kivinen nói, cho hay Phần Lan luôn thường trực nỗi lo về nguy cơ nổ ra xung đột.
28 trong 30 thành viên NATO đã phê duyệt cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary gần đây cho biết họ sẽ xem xét phê duyệt vào năm sau, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đình trệ quá trình vì cáo buộc Stockholm chứa chấp những người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Các nhà ngoại giao và quan chức NATO cho rằng Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ rốt cuộc sẽ phải phê duyệt cho hai nước Bắc Âu gia nhập, thêm rằng quá trình kết nạp này vẫn có thể là một trong những quá trình nhanh nhất trong lịch sử của tổ chức.
Dù Phần Lan chưa được bảo vệ theo Điều 5 trong hiến chương NATO, Anh, Mỹ và các nước khác vẫn cam kết bảo vệ hai quốc gia châu Âu nếu họ bị tấn công trước khi trở thành thành viên chính thức của liên minh.
Tướng Kivinen cho biết xung đột ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của hệ thống phòng không trong chiến tranh hiện đại. Phần Lan đã đầu tư trang bị rất nhiều máy bay không người lái, vượt qua con số 11 từng được thống kê trong dữ liệu năng lực quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã duyệt bán tên lửa không đối không và không đối đất trị giá 323 triệu USD để Phần Lan sử dụng cho chiến đấu cơ, nói rằng quốc gia này "sẽ không gặp khó khăn khi đưa các thiết bị vào sử dụng trong lực lượng vũ trang".
Song cuộc xung đột Ukraine cũng cho thấy tầm quan trọng của pháo binh và Phần Lan đang tăng cường kho vũ khí vốn đã rất lớn của họ. Mỹ đã ký thỏa thuận trị giá 535 triệu USD để cung cấp đạn cho các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M-270, phiên bản lớn hơn các hệ thống HIMARS mà Lầu Năm Góc đã chuyển cho Ukraine. Quốc gia Bắc Âu cũng tăng số lượng lựu pháo tự hành 155 mm trong biên chế.
Năng lực pháo binh và bộ binh hùng hậu khiến Phần Lan sở hữu sức mạnh quân sự nổi bật so với các đồng minh NATO. Nhiều quốc gia châu Âu đã từ bỏ học thuyết bảo vệ lãnh thổ thời Chiến tranh Lạnh trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Xe tăng, súng trường bị loại bỏ, trong khi lực lượng quân đội và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Nhiều quốc gia chỉ duy trì lực lượng chuyên nghiệp, cơ động với số lượng ít. Pháp chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự vào năm 2001, sau đó là Thụy Điển và Đức. Chi tiêu quốc phòng của châu Âu giảm 2/3 so với thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.
Động thái Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã bắt đầu đảo ngược xu hướng này. Thụy Điển khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự vào năm 2018, trong khi Pháp dự kiến tái khởi động vào năm 2024. Đức năm nay thành lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (107 tỷ USD) để củng cố năng lực quốc phòng.
Phần Lan chưa từng rơi vào vòng lặp như vậy, một phần bởi tâm lý đề phòng từ những cuộc chiến với nước láng giềng phía đông trong quá khứ. "Phần Lan đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhưng đó là vì lịch sử của chúng tôi", tướng Kivinen nói.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)