Trong buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", các đơn vị trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ nhà hàng, ăn uống) bày tỏ những băn khoăn, nghi ngại khi chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19. Họ chỉ ra thực trạng nhiều người vẫn nhiễm nCoV dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Một số chủ doanh nghiệp vẫn xử lý khá lúng túng trong trường hợp các F0 đến nhà hàng, quán ăn, khách sạn...
Từ thực tế trên, câu hỏi được nhiều doanh nghiệp F&B đặt ra là: khi F0 đến hàng, quán và tiếp xúc nhiều người, liệu địa điểm kinh doanh hoặc doanh nghiệp đó có phải đóng cửa, ngừng hoạt động không? Nếu phải đóng cửa thì trong bao lâu? Họ lo điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và mong chuyên gia giải đáp cặn kẽ, qua đó hình dung được cách tổ chức hoạt động trong bối cảnh mới.
Trước lo lắng trên, PGS, TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho biết cơ quan chức năng đã hướng dẫn rất cụ thể quy định cách ly phong tỏa, trong trường hợp phát hiện loạt F0 ở cụm doanh nghiệp.
PGS, TS Đức Mạnh cho biết sẽ không cách ly toàn bộ doanh nghiệp hay nhà máy, mà chỉ áp dụng cho những bộ phận xuất hiện F0. Ví dụ trong một phân xưởng, có tổ phát hiện 2-3 F0, chúng ta chỉ cách ly tạm thời tổ đó, khử khuẩn môi trường, chặn nguồn bệnh và theo dõi F1, F2... Sau đó tùy tình hình xử lý cho đúng với hướng dẫn của Bộ.
"Việc đóng cửa cửa hàng bán lẻ khi có F0 đến tùy thuộc vào việc xử lý điểm dịch, nếu các nhân viên đã tiêm đủ hai liều vaccine và có xét nghiệm ngày đầu tiên và ngày thứ 7 đều âm tính, doanh nghiệp báo với trạm y tế ở khu vực đó để gỡ bỏ phong tỏa và trở lại hoạt động bình thường. Bộ đã quy định rõ và hướng dẫn cụ thể", Phó Cục trưởng Đức Mạnh nói.
![Quán cà phê trên đường Lê Duẩn (quận 1) nhận khách ngồi tại chỗ bên ngoài, chưa sử dụng phòng lạnh sáng 28/10. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/11/09/1quan249985468-186813493595165-3249-6857-1636453352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EPk7DkQ96jm6rmtbh9fW7w)
Quán cà phê trên đường Lê Duẩn (quận 1) nhận khách ngồi tại chỗ bên ngoài, chưa sử dụng phòng lạnh sáng 28/10. Ảnh: Quỳnh Trần
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) dẫn lại công căn 5522 của Bộ Y tế hồi tháng 7. Trong đó nhắc đến ý mặt lý thuyết, các cơ sở sản xuất sẽ phải đóng cửa 48-72 giờ để làm sạch, trong quá trình đó phải cách ly và xét nghiệm.
Ở giai đoạn dịch bùng phát mạnh, thời gian đóng cửa lâu bởi năng lực xét nghiệm hạn chế và chậm. Đến nay, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và doanh nghiệp được phép tự test. Nếu chuẩn bị sẵn bộ kit, họ có thể kiểm tra luôn để xác định người lao động dương hay âm tính với nCoV.
"Việc xét nghiệm nhanh như vậy có thể không hiệu quả lắm", Tiến sĩ Thu Anh nói. Bác sĩ cũng nhắc lại kinh nghiệm của những quốc gia chống dịch thành công. Với trường hợp không may tiếp xúc với F0, họ sẽ được xét nghiệm ở ngày thứ 3, 5, 7 (tức sau 3-7 ngày tiếp xúc với người bệnh), chứ không test ngay.
Bác sĩ Thu Anh lý giải: "Mới gặp F0, không thể nào dương tính ngay được. Nếu xét nghiệm liền sẽ lãng phí kit đó".
Việc đóng cửa hàng quán bán lẻ có 2-3 nhân viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố: F0 đó có triệu chứng không, đã tiêm vaccine chưa, môi trường tiếp xúc giữa F0 và nhân viên thế nào? Nếu đã đeo khẩu trang, nơi làm việc thoáng khí... nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
Tiến sĩ Thu Anh nhấn mạnh: "Một số quốc gia cho rằng chỉ cần F1 đeo khẩu trang, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc ở môi trường thoáng khí và giữ khoảng cách. Với ngành F&B, tôi biết việc đó rất khó". Bác sĩ cũng kiến nghị Hiệp hội, ban ngành cùng nghiên cứu, sắp xếp lại nơi bán hàng, làm cách nào để việc tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng có khả năng lây nhiễm thấp, mà không phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó hạn chế rủi ro bằng cách cho nhân viên nghỉ 2-3 ngày, đợi họ có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM - nhắc đến cẩm nang hướng dẫn khi cơ sở, doanh nghiệp có F0.
"Khi phát hiện F0, chúng tôi chia khu làm việc và ăn uống của nhân viên. Hai sơ đồ này rất quan trọng, giúp xác định nhóm F0, F1 có nguy cơ để khoanh vùng và chỉ khoanh vùng trong nhóm đó. Chúng tôi cũng có khu lưu trú, gọi là 'khu lưu trú tạm thời F0' cũng như khu để các F1 vào đó. Tiếp đấy, lãnh đạo sẽ liên tục trấn an, hỏi thăm và làm các công tác như Bộ Y tế hướng dẫn", ông Phương nói.
Về tủ thuốc, công ty quy mô nên trang bị giường bệnh, bình oxy, máy thở, máy đo SPO2, các tủ thuốc và hướng dẫn mặc đồ bảo hộ cho đúng cách. Có thể thiết lập đội F0 tình nguyện (gồm những người từng là F0) để truyền kinh nghiệm, hỗ trợ người bệnh. Mọi người cũng cần nhớ đường dây nóng trong nội bộ của mình và hotline của trung tâm y tế quận, huyện - nơi doanh nghiệp tọa lạc - để tiện thông báo.
Hiếu Châu