Nỗ lực trung gian đàm phán Trung Đông, dẫn đầu bởi Ai Cập, đang được đẩy nhanh để cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, khi chỉ còn hai ngày nữa là đến hạn chót do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặt ra để Hamas thả thêm con tin.
Quân đội Israel đã tăng cường triển khai binh lính và xe tăng quanh Dải Gaza, còn lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước này cảnh báo "cổng địa ngục sẽ mở ra" một khi thỏa thuận bị hủy bỏ và Israel sẽ nối lại chiến dịch tấn công.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 19/1, do Qatar, Ai Cập, Mỹ làm trung gian và chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 42 ngày, trong đó 33 con tin Israel, gồm phụ nữ, người cao tuổi và người bị thương, được Hamas thả để đổi lấy khoảng 1.900 tù nhân Palestine bị Israel giữ. Hamas đã thả 16 con tin Israel trong giai đoạn này. Trong số 17 con tin còn lại, 9 người được cho là còn sống.
Lực lượng Hamas ban đầu có kế hoạch trả tự do cho 3 con tin tiếp theo vào ngày 15/2 theo thỏa thuận, song hôm 11/2 thông báo sẽ trì hoãn vô thời hạn động thái này với lý do Israel vi phạm lệnh đình chiến. Nhóm này cáo buộc Israel tiếp tục giết hại dân thường Palestine, ngăn chặn viện trợ nhân đạo và cản trở người dân di tản trở về phía bắc dải Gaza.
Dù Israel bác bỏ loạt cáo buộc này, họ thừa nhận đã thực hiện một cuộc không kích ở thành phố Rafah hôm 12/2, hạ hai nghi phạm điều khiển máy bay không người lái (UAV).
Giới chức cấp cao Ai Cập cho biết đã mời phái đoàn Hamas đến thủ đô Cairo vào ngày 12/2 để "thảo luận cách chấm dứt khủng hoảng". Cùng lúc, các nhà trung gian đàm phán tại Ai Cập và Qatar nỗ lực thuyết phục Israel đáp ứng một số yêu cầu mới của Hamas trước hạn chót.
Mahmoud Mardawi, một quan chức cấp cao Hamas, tuyên bố có "tín hiệu tích cực" về khả năng trao trả con tin đúng hạn, nhóm này vẫn chưa nhận được cam kết rõ ràng từ Israel về thực thi đầy đủ các điều khoản thỏa thuận ngừng bắn, đặc biệt là viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
![Xe tăng Israel tuần tra gần hàng rào biên giới với Dải Gaza tháng 12/2024. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/AFP-20241210-36Q26JB-v3-HighRe-4943-1620-1739423752.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZJT94DuTYrpfATZppVEmqQ)
Xe tăng Israel tuần tra gần hàng rào biên giới với Dải Gaza tháng 12/2024. Ảnh: AFP
Các nỗ lực trung gian đàm phán bị bao trùm bởi tâm lý hoài nghi và những phát ngôn mâu thuẫn từ Israel. Sau cuộc họp an ninh kéo dài 4 tiếng vào ngày 11/2, Thủ tướng Netanyahu yêu cầu Hamas thả "con tin của chúng tôi", nhưng không nói rõ liệu ông muốn Hamas trao trả toàn bộ 76 con tin còn lại, hay chỉ ba người theo kế hoạch ban đầu.
Một số bộ trưởng Israel đưa ra nhiều tuyên bố mâu thuẫn về số con tin cần được trả tự do vào ngày 15/2. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, thành viên phe cực hữu, đe dọa nếu Hamas không trao trả "toàn bộ con tin", Gaza sẽ chìm trong "biển lửa" và ông sẵn sàng ra lệnh cắt toàn bộ nguồn cung cấp nước, nhiên liệu, viện trợ nhân đạo cho dải đất.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cảnh báo nếu nhóm vũ trang Hamas không thả các con tin vào ngày 15/2 như kế hoạch thì giao tranh sẽ được nối lại và "cánh cổng địa ngục sẽ mở ra" như tuyên bố hồi đầu tuần của Tổng thống Trump.
Ông cho biết chiến sự lần này nếu nổ ra tại Dải Gaza sẽ khác biệt về cường độ so với trước lệnh ngừng bắn và không có cơ hội có thêm bất kỳ thỏa thuận nào khác, "chỉ kết thúc một khi Hamas bị đánh bại và thả hết con tin".
![Người Palestine trở về thành phố Gaza City, giờ đây chỉ còn những đống đổ nát, ngày 7/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/Gaza-3966-1739423753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=snmZmih33TyU4avg-_rUOw)
Người Palestine trở về thành phố Gaza City, giờ đây chỉ còn những đống đổ nát, ngày 7/2. Ảnh: AP
Căng thẳng bị đẩy lên cao bởi loạt tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ tiếp quản và tái thiết Dải Gaza, nơi được ông coi như một "khu bất động sản lớn" và người Palestine sẽ không có quyền quay lại dải đất.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết sau những tuyên bố này của ông Trump, Hamas không còn tin tưởng Washington sẽ đảm bảo hiệu lực của lệnh ngừng bắn, được đưa ra trong cuối nhiệm kỳ cựu tổng thống Joe Biden.
Hamas tuyên bố họ không chấp nhận ngôn từ đe dọa của Mỹ lẫn Israel, đồng thời khẳng định con tin chỉ có thể được thả thông qua đàm phán ngoại giao.
Các nước Arab đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và khôi phục niềm tin của Hamas bằng phương án tái thiết Gaza mà không di dời người Palestine. Dù Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh viễn cảnh Mỹ tiếp quản Dải Gaza là "không thể tránh khỏi", ông có vẻ vẫn cân nhắc phương án khác cho khu vực này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt hôm 12/2 thông báo Tổng thống Trump đã "giao nhiệm vụ cho các quốc gia Arab" đề xuất một kế hoạch hòa bình thay thế. Leavitt nói ông Trump vẫn cam kết mang lại hòa bình cho Trung Đông và đang chờ các đối tác Arab trình bày phương án.
Cho đến nay, Ai Cập đang dẫn đầu nỗ lực xây dựng kế hoạch tái thiết Dải Gaza, tránh viễn cảnh Mỹ kiểm soát khu vực này. Các lãnh đạo Ai Cập, Jordan, Qatar, UAE và Saudi Arabia dự kiến họp tại Cairo ngày 27/2 về chủ đề này, với khung ý tưởng là chương trình tái thiết kéo dài 3-5 năm và không buộc người dân Gaza phải tái định cư bên ngoài khu vực.
Giai đoạn đầu của chương trình tái thiết sẽ tập trung vào dọn dẹp hậu quả chiến tranh, sau đó xây dựng lại các khu dân cư, bắt đầu từ Rafah ở phía nam rồi mở rộng ra toàn bộ dải Gaza. Ai Cập đang tìm kiếm tài trợ từ những nước Arab khác, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc, nhưng không nhắc đến Mỹ trong danh sách.
Ai Cập cho biết sẽ sớm trình bày phương án tái thiết Gaza được các nước Arab hậu thuẫn, nhưng hiện chưa rõ họ có kịp hoàn thiện trước khi hạn chót do Mỹ và Israel đưa ra hay không.
Thanh Danh (Theo Guardian, BBC, Al Jazeera, Middle East Eyes)