Vào khoảng 0h35 ngày 3/7 (giờ Madrid), tiền đạo 28 tuổi của Liverpool và tuyển Bồ Đào Nha Diogo Jota cùng em trai qua đời trong một vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Zamora, Tây Ban Nha. Sự việc xảy ra ở một khúc cua ở xa lộ A‑52, nguyên nhân ban đầu được xác định là xe bị nổ lốp, dẫn đến mất lái, lật nhiều vòng rồi bốc cháy.

Hiện trường vụ tai nạn ở xa lộ A‑52, thành phố Cernadilla, tỉnh Zamora, Tây Ban Nha. Ảnh cắt từ video
Việc nổ lốp xe khi chạy tốc độ cao không hiếm, có thể dẫn tới hậu quả rất thảm khốc. Theo Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), việc hỏng lốp xe gây ra khoảng 11.000 vụ tai nạn và 200 trường hợp tử vong mỗi năm tại nơi đây.
Thanh Mai (TP HCM), kể lại trải nghiệm "rất hãi hùng" trong lúc lái xe trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong mùa mưa vừa qua. Khi đang di chuyển với tốc độ 80 km/h trong trời mưa như trút nước, bỗng chị nghe tiếng động lạ ở phía bên phải, sau đó tay lái loạng choạng và chệch lái. Lúc này chị xử lý bằng cách giảm tốc độ, giữ chắc vô-lăng, đưa xe vào làn khẩn cấp, bật đèn báo nguy hiểm, chạy ra khỏi xe để đặt thêm cảnh báo phía sau, cuối cùng ngồi ở trong xe và gọi cứu hộ.
"Xe tôi bảo dưỡng định kỳ thường xuyên nhưng vẫn bị tình trạng nổ lốp, trải nghiệm này lúc trời mưa mù mịt rất đáng sợ, nhưng may mắn không có tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra", Mai nói.
Lý do xe nổ lốp
Có nhiều lý do dẫn tới nổ lốp hoặc thoát hơi quá nhanh khi xe chạy trên đường cao tốc, liên quan trực tiếp tới hai yếu tố là áp suất lốp và chất lượng mặt lốp.
Cụ thể, với áp suất lốp, bơm quá căng là nguyên nhân dễ hình dung nhất. Khi bơm quá căng, áp suất lớn đẩy không khí tìm cách thoát ra ngoài, gây phá hủy lốp. Nhưng ngay cả lốp non cũng có thể khiến nổ lốp. Bởi lẽ, khi lốp non, thành lốp phải chịu áp lực lớn từ thân xe, bị nén chặt gây biến dạng và tạo ra các vết rách ngang. Việc bị nén mạnh cũng khiến diện tích tiếp xúc với mặt đường tăng lên, làm tăng sinh nhiệt và tăng tỷ lệ bị chọc thủng bởi đá, vật nhọn. Xe chở quá nặng so với thiết kế của lốp cũng khiến tăng áp lực.
Những nguyên nhân liên quan chất lượng mặt lốp như lốp đã quá mòn mà không thay, lốp xuất hiện các vết nứt vì cao su bị lão hóa, lốp mòn và xe phải chạy tốc độ cao liên tục trong thời gian dài...
Nhận biết nổ lốp
Khi xe chạy tốc độ cao bị nổ lốp, tài xế có thể nghe thấy tiếng động lớn, tiếng rít (xì) ở vị trí hốc bánh, vô-lăng đột nhiên bị "kéo" về một hướng hoặc rung lên, giật mạnh và xe không còn di chuyển theo đúng hướng của tài xế.
Các bước xử lý

Chiếc xe nổ lốp của Thanh Mai trên cao tốc. Ảnh: Thanh Mai
Khi xảy ra nổ lốp, xe đột nhiên không chạy thẳng, nhiều tài xế theo thói quen sẽ đạp mạnh chân phanh, nhưng việc này rất nguy hiểm vì có thể khiến xe mất trạng thái cân bằng, mất kiểm soát. Lúc này, cần bình tĩnh buông ga, giữ chặt vô-lăng bằng cả hai tay, hướng vô-lăng về phía mà xe muốn tới. Mắt luôn phải hướng ra xa để xác định phần đường an toàn có thể đưa xe tới, thay vì hoảng loạn nhìn vào phía đầu xe, sẽ không thể đưa xe đi đúng hướng. Nếu vô-lăng bị "kéo", tài xế có thể đánh nhẹ lái về hướng ngược lại để giữ xe tiến thẳng.
Khi đã giữ được hướng chạy của xe, chân bắt đầu rà phanh giảm tốc, bật đèn khẩn cấp (hazard) và từ từ cho xe di chuyển về khu vực an toàn trên đường, ví dụ như làn khẩn cấp trên cao tốc, hoặc sát về lề phải. Trong suốt quá trình xử lý tình trạng nổ lốp, cần quan sát kỹ dòng phương tiện di chuyển xung quanh. Cuối cùng tài xế cần gọi cứu hộ để xử lý, hoặc tự lắp lốp dự phòng nếu có thể. Khi đỗ xe luôn phải đặt cảnh báo đúng quy định.
Các cách phòng tránh nổ lốp
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" là lời khuyên tốt nhất để có thể tránh các tai nạn liên quan đến hư hại của lốp xe. Tài xế cần bơm lốp đúng với mức áp suất được khuyến cáo, thông tin này được in trên bệ cửa bên trái. Tuổi thọ thông thường của lốp là 7-10 năm kể từ ngày sản xuất, do đó không nên sử dụng lốp quá cũ, ngay cả khi lốp chưa mòn đến giới hạn.

Lốp xe nứt ở thành vì lão hóa, hay còn gọi là "mục khô". Ảnh: Bridgestone LB
Hầu hết lốp xe hiện nay sử dụng cao su rất khó lão hóa nếu tài xế sử dụng xe đúng theo quy định của hãng xe và hãng lốp. Thông thường, khi bảo dưỡng xe ở các garage chính hãng, kỹ thuật viên đều kiểm tra mặt lốp, đảo lốp và tư vấn thay lốp đúng quy trình. Với tài xế không làm dịch vụ tại garage chính hãng, nên chủ động nắm bắt thời gian thay lốp, đảo lốp cũng như kỹ năng kiểm tra chất lượng bề mặt lốp.
Khi đã vá quá nhiều lần, ở những vị trí gần nhau, tài xế tốt nhất nên thay lốp mới. Tại Việt Nam, không có khuyến cáo cụ thể lốp vá mấy lần thì có thể sử dụng tốt. Trong khi đó, website của Bridgestone Australia cho biết tối đa chỉ nên dùng lốp xe sau 3 lần sửa chữa. Tài xế nên theo dõi tình trạng lốp sau nhiều lần vá, ví dụ bề mặt lốp còn tốt không, tình trạng xuống hơi có diễn ra nhanh hơn những lốp khác. Nếu có, tốt nhất nên thay lốp mới.
Bên cạnh đó, có thể gắn cảm biến áp suất lốp để theo dõi tình trạng lốp trong thời gian thực khi lái xe, nhằm nhận biết rõ về sự hụt hoặc tăng áp suất bất thường, qua đó ngăn chặn được tai nạn xảy ra. Lốp cần được đảo vị trí mỗi 10.000-20.000 km hoặc 6 tháng/lần, nhằm giúp các lốp mòn đều và tăng thời gian sử dụng lốp. Khi lái xe, tài xế nên tránh các ổ gà, vật cản trên đường nếu có thể. Cuối cùng là hạn chế đỗ xe ngoài trời, vì tia UV từ mặt trời đẩy nhanh tốc độ lão hóa của lốp xe.
Video: Hồ Tân
Hồ Tân